Thời gian qua, bên cạnh việc tổ chức điều trị, chăm sóc phục hồi sức khỏe, cai nghiện ma túy cho học viên, Các cơ sở Cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh còn chú trọng công tác đào tạo nghề, truyền nghề gắn với lao động trị liệu cho học viên nhằm tạo cơ hội việc làm cho họ khi tái hòa nhập cộng đồng.
Dạy nghề cho người nghiện ma túy trong thời gian cai nghiện tập trung tại các Cơ sở cai nghiện ma túy tập trung nhằm thực hiện mục tiêu “Cai nghiện bền vững”, giúp người nghiện có tay Nghề sau cai, phục vụ cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả hơn, là điều mà các cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh, gia đình người nghiện và cộng đồng rất quan tâm và quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, tổ chức dạy nghề gì? Học như thế nào để phù hợp với từng đối tượng, yêu cầu và nhu cầu của xã hội; làm thế nào để giúp học viên rèn luyện kỹ năng, khi trở về cộng đồng có thể tìm được công việc, có thu nhập, ổn định cuộc sống là vấn đề đặt ra cần quan tâm.
Học viên Cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện MTBB số I Nghệ An tham gia học nghề Hàn
Xác định được vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với người nghiện, trong những năm qua, Sở Lao động TB và XH Nghệ An đã tích cực phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các chính chính sách đào tạo nghề gắn với thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, trong đó, quan tâm hỗ trợ cho cho người nghiện trong quá trình cai nghiện tập trung tại các Cơ sở Cai nghiện trên địa bàn tỉnh. Các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, khảo sát nhu cầu của học viên có nguyện vọng, đăng ký học nghề; chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu, tổ chức mở các lớp dạy nghề mây- tre đan, trồng trọt, điện dân dụng, hàn, xây và may dân dụng; nhận làm gia công một số sản phẩm thủ công theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống và bữa ăn cho học viên… Vì vậy, công tác đào tạo nghề cho người nghiện tại các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, bước đầu phát huy hiệu quả.
Năm 2022, đã tổ chức dạy nghề cho 928 học viên tại các cơ sở cai nghiện tập trung (đạt 100%KH), 804 học viên đã được cấp chứng chỉ nghề, nhiều học viên sau cai nghiện đã biết thao tác những công việc đòi hỏi kỹ thuật cao và phức tạp, như: Cắt may, hàn, điện dây dụng ... Việc tổ chức học nghề kết hợp với lao động trị liệu, lao động sản xuất và các hoạt động văn hóa thể thao tại đơn vị đã góp phần quan trọng giúp các học viên sớm phục hồi sức khỏe, yên tâm ở lại cai nghiện, tạo cơ hội để làm lại cuộc đời. Những tâm gương như Anh Cụt Văn Trường, Khối trưởng Khối 4 Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn; anh Lô Văn Chung, Phó Bí thư Chi bộ bản Hữu Văn, xã Châu Kim, huyện Quế Phong…trước đây chìm đắm trong ma túy, tưởng chừng cả đời này không thoát khỏi được làn khói trắng đó, nhờ được học nghề, truyền nghề tại Trung tâm các anh đã trở lại hòa nhập cộng đồng, trở thành những tấm gương sáng trong sản xuất và phát triển kinh tế gia đình tại địa phương.
Đến với các cơ sở Cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, những luống rau xanh tươi tắn, những đàn lợn con, những con lợn béo chuẩn bị xuất chuồng, những giống cây trồng đang vươn lên từ mảnh vườn, những xưởng sản xuất thủ công mây tre đan, vàng mã,… những hoạt động sửa chữa dân dụng có bóng dáng những người áo xanh là học viên cai nghiện tại Trung tâm tạo thêm niềm tin mới cho các học viên, gia đình và cộng đồng để làm những công việc có ích.
Thông qua việc đào tạo nghề, truyền nghề đã giúp những đối tượng lầm đường, lạc lối có cơ hội tìm việc, hoặc tự tạo việc làm. Đây cũng là giải pháp thiết thực nhất, tiếp thêm niềm tin cho Học viên, xóa bỏ mặc cảm, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống và phòng chống tái nghiện hiệu quả./.
Nguyễn Trọng Việt - Chi cục Phòng, chống TNXH tỉnh