image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nghệ An đẩy mạnh đào tạo nghề: Tạo việc làm bền vững cho người lao động

 (LĐTĐ) Thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Nghệ An đã luôn quan tâm, dành nguồn lực cho đào tạo nghề, hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Qua đó, mở hướng sản xuất mới, tạo cơ hội để người nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.

Tăng cơ hội việc làm cho người lao động

Tập trung thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 với 7 dự án và 11 tiểu dự án thành phần, tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 1-1,5%/năm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là trên 3%/năm. Kết quả, năm 2023, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2021 là 2,61%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân hằng năm là 4,72%, đạt kế hoạch đề ra. Ước tính đến năm 2025, toàn tỉnh còn 28.963 hộ nghèo, tỷ lệ 3,13%. Để có được kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, là một trong 7 dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được thực hiện trên địa bàn tỉnh.

 

Anh-tin-bai

3 năm qua, Nghệ An đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 3.500 người lao động, tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm việc làm, ổn định thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, tỉnh Nghệ An đã nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững; tích cực hỗ trợ người nghèo, người dân ở huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong đó, thực hiện tiểu dự án giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, tỉnh Nghệ An đã tổ chức đào tạo nghề cho 3.579 lao động; mua sắm thiết bị đào tạo; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 03 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng 56.000 bộ chuẩn về giáo dục nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 2.701 cán bộ, nhà giáo; tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề và các hoạt động khác cho hơn 50.000 người. Những con số này, ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, địa phương.

Giai đoạn 2022-2023, nguồn vốn Trung ương giao cho tỉnh Nghệ An để thực hiện tiểu dự án giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn là 109.181 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 47.628 triệu đồng, vốn sự nghiệp 61.553 triệu đồng). Đến 31/5/2024, lũy kế giải ngân được 88.560,94 triệu đồng, đạt 81,11%. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 39.281,71 triệu đồng, đạt 82,48%; vốn sự nghiệp 49.279,23 triệu đồng, đạt 80,06%; ngân sách địa phương giao 10.000 triệu đồng, giải ngân được 9.246 triệu đồng, đạt 92,46%. Năm 2024,nguồn vốn Trung ương giao để thực hiện tiểu dự án giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn là 77.430 triệu đồng, trong 6 tháng đầu năm, đã giải ngân được 3.392,90 triệu đồng, đạt 9,86%.

Đối với tiểu dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tỉnh Nghệ An đã tăng cường triển khai cho người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo; hỗ trợ hoạt động đào tạo để nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Chỉ tính riêng trong năm 2024, từ nguồn vốn được giao là 3.789 triệu đồng, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ đào tạo cho 283 lao động, trong đó có 111 lao động được hỗ trợ đã xuất cảnh; hỗ trợ các khoản chi phí khác trong quá trình đào tạo cho 107 lao động; tư vấn cho 5.338 lao động và thân nhân về nội dung đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cùng với hai tiểu dự án trên, tiểu dự án hỗ trợ việc làm bền vững đã góp phần kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Giai đoạn 2022-2023, ngân sách Trung ương giao thực hiện tiểu dự án này là 30.272 triệu đồng, luỹ kế giải ngân đến thời điểm 31/5/2024 là 28.335,53 triệu đồng, đạt 93,60%.

Năm 2024, ngân sách Trung ương giao là 17.898 triệu đồng, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ đầu tư hiện đại hóa Sàn giao dịch Việc làm – Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; tổ chức 190 phiên giao dịch/hội chợ/ngày hội việc làm với 50.570 người tham gia; xây dựng 2.001 ấn phẩm phân tích/dự báo thị trường lao động; thu thập, cập nhật thông tin gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 2.461.061 lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho 16 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động tại các huyện nghèo.

Tiếp tục quan tâm, triển khai hiệu quả

Có thể khắng định, 3 năm qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững một cách đồng bộ, trách nhiệm và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Song, vẫn còn những khó khăn, hạn chế, cần sớm đượcbổ sung, sửa đổi để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Đơn cử như: Công tác đào tạo nghề cho người lao động còn gặp khó khăn do dịch chuyển người lao động ở địa phương đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững chỉ hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Trong khi, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo phần lớn không có khả năng lao động hoặc quá độ tuổi lao động, còn đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa thực hiện được vì chưa có văn bản hướng dẫn xác định người lao động có thu nhập theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Việc thanh toán kinh phí hỗ trợ cho người dân còn gặp nhiều khó khăn do không cung cấp được hoá đơn, chứng từ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 quy định: "Đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành khóa học, đang chờ xuất cảnh, Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ cho đối tượng trên cơ sở hóa đơn hoặc biên lai thu tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng 10 nghề, ngoại ngữ, khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực, lý lịch tư pháp và các tài liệu liên quan chứng minh người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ”. Vì vậy, đã có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng không được hỗ trợ.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, trong thời gian tới, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An tiếp tục tham mưu, phân bổ, lồng ghép các nguồn lực để tổ chức đào tạo nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng cho hộ nghèo. Đồng thời, kêu gọi xã hội hóa nhằm đầu tư thiết bị dạy học cho các cơ sở đào tạo nghề; phối hợp các ngành liên quan xây dựng chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm để người dân yên tâm duy trì nghề ổn định. Đối với nhóm nghề phi nông nghiệp, các ngành và địa phương phối hợp nhân rộng các mô hình liên kết đào tạo với doanh nghiệp, tăng cơ hội việc làm cho học viên.

Mai Liễu