Hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ
Việc xây dựng “Ngân
hàng Gen” cho liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn
300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và nhân
dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh
vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.
Các đồng chí Lãnh đạo Đảng,
Nhà nước, các đại biểu tham dự Hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch
Hồ Chí Minh, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phòng dân tộc và
tưởng niệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Cộng sản Việt Nam
Tới dự hội nghị có Thủ
tướng Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc
Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh
Thành Đạt; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Võ Minh Lương; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội
Trần Sỹ Thanh, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương
và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên 400 đại biểu người có công với cách mạng
tiêu biểu toàn quốc.
Thủ
tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi sức khỏe các Mẹ Việt Nam anh hùng
Toàn cảnh Hộ nghị
Để bắt đầu Chương
trình, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu tham dự Hội nghị dành
một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng liệt sĩ đã hy
sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tưởng niệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng
Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chế
độ ưu đãi người có công ngày một nâng cao
Báo cáo tri ân người có
công với cách mạng toàn quốc năm 2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp
của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và
Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối
với người có công với cách mạng và thân nhân. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với
cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hoá quan điểm, chủ
trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng. Đối tượng người
có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm
bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo tri ân người có công với
cách mạng toàn quốc năm 2024
"Chính phủ cũng đã
ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 quy định điều chỉnh mức chuẩn
trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng
(tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp
ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ vừa qua, được dư luận xã
hội và người có công, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ" - Bộ trưởng Đào Ngọc
Dung cho biết.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc
Dung, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội
đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.
10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ
gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn
nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ
tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường
hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức
nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Tham dự Hội nghị có
trên 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất
nước
Các công trình ghi công
liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ, cả nước đã tôn tạo, nâng cấp,
sửa chữa, chỉnh trang trên 3000 nghĩa trang liệt sĩ, trên 4000 công trình ghi
công liệt sĩ. Tiến hành chuẩn hoá thông tin bia mộ liệt sĩ, 02 năm qua đã điều
chỉnh 20 ngàn bia mộ đang ghi "Liệt sĩ vô danh", đến nay cả nước tuyệt
đại bộ phận thống nhất ghi “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định.
Qua 6 năm, ngành LĐTBXH
đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ
công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, phần lớn là
liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ
và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
“Đây là việc làm vô
cùng khó khăn do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ
không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất… điển hình như trường hợp
cụ Phạm Khánh, chiến sĩ cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh năm 1931, sau 92
năm mới tìm được dữ liệu, được công nhận liệt sĩ”, Bộ trưởng trăn trở.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc
Dung, những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh,
bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, phần nào đã xoa dịu
những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của
chúng ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc
vĩ đại của dân tộc, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của ngành Lao động - Thương
binh và Xã hội trong thời gian vừa qua đối với công tác này.
Vinh danh, ghi nhận và
biểu dương tất cả những tấm gương tiêu biểu của các thương binh, bệnh binh,
thân nhân người có công
Hội nghị tri ân người
có công với cách mạng năm 2024 góp mặt trên 400 đại biểu người có công với cách
mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước. Trong đó, 13 đại biểu là lão
thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 6 Mẹ Việt Nam anh hùng, 36 Anh hùng lực
lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, hơn 200
thương binh, trong đó có 22 thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở
lên, 44 bệnh binh, 53 thân nhân liệt sĩ và các đại biểu người có công với cách
mạng tiêu biểu khác.
Đặc biệt, trong số các
đại biểu tham dự buổi gặp mặt có 33 đại biểu là người dân tộc thiểu số như:
Bana, Chăm, Ê đê, Hrê, Jrai, Mường, Nùng, Paco, Ragiai, Tày, Thái…
Đại biểu người có công
tham dự Hội nghị
Tiêu biểu là bác Lê
Quang A, năm nay tròn 100 tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng, đến từ tỉnh Hà Tĩnh, là
cán bộ tiền khởi nghĩa, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám.
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê
Thị Thạnh, sinh năm 1932 đến từ Bình Định. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của
dân tộc, Mẹ đã mất những người thân yêu, ruột thịt của mình, đó là chồng, con
và chị gái là liệt sĩ.
Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển
năm xưa chiến đấu bên cây cầu Hàm Rồng lịch sử với câu chuyện như huyền thoại về
nữ dân quân chỉ nặng 42 kg vác 2 hòm đạn nặng 98kg để tiếp đạn cho bộ đội, biểu
tượng cho ý chí quật cường của quân và dân Việt Nam. Năm 1967, bà được phong tặng
danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi chỉ mới 21 tuổi.
Đại biểu Rơ Châm Thoi,
sinh năm 1950, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, là người chiến sĩ cách mạng bị địch
bắt tù đày kiên trung, bất khuất. Vượt lên khó khăn do sức khỏe yếu, vết thương
cũ tái phát mỗi khi trái gió trở trời, ông luôn gương mẫu tham gia các phong
trào, hoạt động của địa phương, được nhân dân trong thôn làng công nhận là Già
làng người có uy tín.
Anh hùng lực lượng vũ
trang, Thiếu tướng Phan Văn Lai, nguyên là Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục xây dựng
lực lượng công an nhân dân, 94 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, hiện bác là Trưởng
Ban Liên lạc công an chi viện miền nam, là cánh chim đầu đàn của lực lượng công
an nhân dân Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
nêu nhiều con số thể hiện nỗ lực tri ân, chăm sóc người có công và gia đình
Vợ liệt sĩ Trương Thị
Lài sinh năm 1957 đến từ Thừa Thiên Huế hay người nữ anh hùng người dân tộc Tày
- Lâm Thị Mây, sinh ra và lớn lên tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Mang trên
mình vết thương có tỷ lệ 61%, bà luôn là tấm gương sáng trong cộng đồng.
Thiếu tướng Mai Hoàng,
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí
Minh, người mà những băng nhóm tội phạm buôn bán, vận chuyển ma tuý rất đỗi khiếp
sợ. Anh trực tiếp tham gia 58 trận đánh vũ trang trong các chuyên án lớn, đối mặt
với những băng nhóm ma tuý có vũ trang xuyên biên giới; một người chỉ huy xuất
sắc, góp phần quan trọng trong việc giảm rõ rệt tình trạng cướp giật trên địa
bàn thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, bảo vệ an ninh trật tự cho người
dân.
Anh hùng Lê Văn Kiểm,
Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến
binh Việt Nam, người 02 lần được phong tặng anh hùng lao động trong thời kỳ đổi
mới. Cùng với các hoạt động xã hội, ông đã đồng hành cùng với Ngành LĐTBXH
trong nhiều năm qua trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng, đền ơn
đáp nghĩa, tri ân đồng đội với số tiền hỗ trợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
"Ngân hàng
Gen" - mở ra hy vọng xác định danh tính liệt sĩ
Đất nước ta kết thúc
chiến tranh gần 50 năm, có 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống nhưng vẫn còn hàng
trăm nghìn liệt sĩ chưa quy tập được hoặc chưa xác định danh tính; trong đó có
hơn 23.000 hài cốt liệt sỹ còn nằm lại rừng sâu, khe lạnh. Do đó, từ nhiều năm
qua, công tác quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ luôn được Đảng, Nhà
nước đặc biệt quan tâm và ưu tiên triển khai thực hiện.
Cả nước đang quyết tâm
"trả lại tên" những người đã hy sinh hơn nửa thế kỷ
Năm 2013, Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt hai đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh
tính liệt sĩ, đó là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm
2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237) do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định
hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) do Bộ LĐTBXH triển khai.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc
Dung, Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng.
Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn
3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn
1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.
Thủ tướng Phạm Minh
Chính và các đại biểu bấm nút kích hoạt Ra mắt “ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ
chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ”
"Chúng ta còn khoảng
300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin, trong đó từ nay cho đến hết 2026
tất cả những khu nghĩa trang liệt sĩ, những mộ chưa xác định được thông tin có
điều kiện sẽ tìm kiếm. Chúng ta sẽ nhập các thiết bị máy móc mới nhất, hoặc liên
kết với Mỹ và Hà Lan về xác định ADN. Vừa qua chúng ta vừa đưa 50 mẫu không
thành công đưa đi Hà Lan để nhờ Mỹ giám định thì được 38 mẫu".
Cũng theo Bộ trưởng Đào
Ngọc Dung, đây là nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của ngành và khẳng định sẽ tập
trung nguồn lực, điều kiện kinh tế để thực hiện xây dựng "ngân hàng
Gen" trong tháng 7 này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định danh
tính, trả lại tên cho hơn hàng trăm nghìn liệt sĩ, bớt đi sự day dứt cho gia
đình thân nhân liệt sĩ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung trao kết quả giám định gen xác định danh
tính hài cốt cho thân nhân 10 gia đình liệt sĩ
Tại Hội nghị, Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành ấn nút kích hoạt, chính thức
ra mắt “Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được
thông tin”.
Việc xây dựng “Ngân
hàng Gen” liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000
gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và nhân dân cả nước
rằng tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp
bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.
Trong bối cảnh công tác
giám định gen còn nhiều khó khăn, không ít gia đình liệt sĩ đã đón nhận niềm
vui vỡ òa sau nửa thế kỷ chờ đợi: nhờ kết quả giám định ADN mà tìm dược mộ người
thân.
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm
Minh Chính và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã trao kết quả giám định Gen tới
10 gia đình liệt sĩ. Trong đó, có 4 gia đình đã hoàn thành việc xác định hài cốt,
đưa liệt sĩ về quê hương.
Là một trong 4 gia đình
tìm được thân nhân của mình thông qua giám định gen, bà Phạm Thị Vinh, em gái
liệt sĩ Phạm Văn Phước vui mừng, xúc động suốt 2 tuần nay khi xác định được
chính xác thông tin của người anh trai. "Nhiều năm nay, gia đình tôi đi
tìm anh rất vất vả. Nay cuối cùng đã tìm được anh trở về. Tôi rất biết ơn Đảng,
Nhà nước, các cơ quan, bộ, ngành đã giúp đỡ gia đình tôi tìm và đưa anh về",
bà Vinh xúc động chia sẻ.
Cả nước ghi nhớ quá khứ
hào hùng, luôn ý thức tri ân, quan tâm những người đã hi sinh xương máu cho đất
nước
Phát biểu tại Hội nghị,
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị tri ân người có công với cách mạng
hôm nay diễn ra trong niềm tiếc thương vô hạn đồng chí, đồng bào cả nước trước
sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của
Đảng, Nhà nước ta. Người luôn đặc biệt quan tâm chăm lo công tác thương binh,
liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Thủ
tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ khẳng
định, ngày 27/7 hằng năm trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính
nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam. Là dịp để toàn dân, toàn quân ta bày tỏ
lòng tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng liệt
sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
“Chúng ta tri ân gần
1,2 triệu người con ưu tú đã dũng cảm, xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu,
hy sinh quên mình, trong đó rất nhiều người ở lại với tuổi 18, đôi mươi, để lại
phía sau bao ước mơ, hoài bão còn dang dở, những trang sách giảng đường, gia
đình, người thân nơi hậu phương lên đường thực hiện nhiệm vụ vì sự nghiệp xây dựng,
bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân”, Thủ tướng Phạm Minh
Chính phát biểu.
Thủ tướng nhấn mạnh,
máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ
vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do và nhân dân được ấm no, hạnh
phúc như ngày hôm nay. Cùng sự phát triển của đất nước với những thành tựu đã đạt
được, cả nước càng phải ghi nhớ quá khứ hào hùng, luôn ý thức tri ân, quan tâm
những người đã hi sinh xương máu cho đất nước ngày hôm nay.
Thủ tướng khẳng định 77
năm qua, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng được nghiên
cứu, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện bài bản, nghiêm túc. Đời sống của
người có công và gia đình không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần.
Theo thống kê, có 99% hộ
gia đình người có công có mức sống bằng hoặc hơn mức sống chung tại khu vực
sinh sống. Điều này cũng là một biểu hiện của việc thực hiện chủ trương, như Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh “không hy sinh môi trường, xã
hội, công bằng xã hội vì sự phát triển kinh tế đơn thuần”. Đây cũng là một vấn
đề quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư lúc sinh thời.
Cổng
TTĐT Bộ cập nhật thông tin từ Hội nghị