Ngày 28/8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên cáo trước quốc dân đồng bào, cùng toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau cách mạng tháng 8 thành công, nội các Chính phủ lâm thời thống nhất quốc gia có 13 bộ ngành, trong đó có Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội, tiền thân của Bộ Lao động - TB và XH ngày nay.
Ngày 28/8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên cáo trước quốc dân đồng bào, cùng toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau cách mạng tháng 8 thành công, nội các Chính phủ lâm thời thống nhất quốc gia có 13 bộ ngành, trong đó có Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội, tiền thân của Bộ Lao động - TB và XH ngày nay. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển của cách mạng Việt Nam, cũng như xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của đất nước, ngành Lao động - TB và XH từ trung ương đến địa phương đã nhiều lần chia tách, sáp nhập, điều chuyển chức năng nhiệm vụ, thay đổi tên gọi khác nhau. Nhưng luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó đảm nhiệm một khối lượng công việc to lớn bao gồm nhiều lĩnh vực: giải quyết việc làm, đào tạo nghề, lao động tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội; Gọi chung là các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Với khối lượng nhiệm vụ công việc hết sức nặng nề, vừa mang tính cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài nhưng rất nhạy cảm, dễ sai sót, song trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, làm việc và công tác nơi nào, miền núi hay miền xuôi, trong thời kỳ chiến tranh hay hòa bình, xây dựng và phát triển quê hương đất nước, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động - TB và XH luôn có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngành Lao động - TB và XH Nghệ An đã phối hợp vận động nhân dân tiêu thổ kháng chiến, lập hũ gạo nuôi quân, hiến tiền, hiến gạo, hiến đất và nhiều tài sản khác để sung vào công quỹ kháng chiến, lập quỹ ủng hộ binh sĩ bị nạn, đón nhận thương binh về làng và động viên các hộ gia đình nuôi dưỡng chăm sóc thương binh. Phát động phong trào tăng gia sản xuất để diệt giặc đói, động viên hàng vạn thanh niên lên đường gia nhập bộ đội Vệ quốc đoàn, gia nhập đoàn quân Nam tiến, đi thanh niên xung phong, đi dân công hỏa tuyến, đi vận tải xe thồ, vận tải đường sông, đường biển.
Ngay sau ngày ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, hòa bình lập lại, ngành Lao động - TB và XH đã phối hợp vận động nhân dân nhường nhà, nhường giường, nhường chăn chiếu đón trên 2 vạn đồng bào và chiến sĩ Miền Nam tập kết. Phối hợp vận động, huy động hàng vạn lao động, hàng chục vạn ngày công xây dựng các nông trường, khai hoang phục hóa; ngành đã phối hợp vận động hàng ngàn hộ gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới, xây dựng nông trang; xây dựng các công trình thủy lợi...
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh, khí thế đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất nước nhà đã khích lệ tạo đà để nhân dân Nghệ Tĩnh khởi động bắt tay vào công cuộc xây dựng các công trình lịch sử như: Thủy lợi Vách Bắc, Thủy lợi Vách Nam - Sông Nghèn, Đại công trình Hồ Kẻ Gỗ, Vực Mấu, Sông Rác và nhiều công trình kinh tế - xã hội trọng điểm khác… với trách nhiệm của mình, ngành Lao động - TB và XH đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp huy động hàng chục vạn lao động lên các công trường để tham gia xây dựng.
Nghệ Tĩnh là đơn vị đột phá đi đầu trong phong trào tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa: hàng vạn hộ dân được di dời để sắp xếp, bố trí lại dân cư, tổ chức lại đồng ruộng nhằm tạo thêm đất sản xuất, hình thành nên những cánh đồng rộng lớn, làm sôi động khí thế ở các làng quê trong toàn tỉnh.
Trong những năm 1978, 1979, Nghệ Tĩnh đã huy động hàng ngàn thanh niên bổ sung vào các đơn vị xây dựng kinh tế ở các vùng Tây Nguyên, Đắc Lắc. Vận động di chuyển nhiều hộ gia đình vào định cư ở các tỉnh phía Nam. Đã cung cấp hàng trăm cán bộ tăng cường cho các tỉnh phía Bắc để vận động nhân dân vùng biên giới đối phó với các thế lực thù địch bên ngoài. Điều động hàng ngàn cán bộ sang làm chuyên gia giúp bạn Campuchia, cùng bộ đội đánh đổ chế độ diệt chủng, phản động Pôn Pốt - iêng xary, giúp đất nước Campuchia hồi sinh, giúp bạn Lào giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Cuộc chiến tranh kết thúc cũng là thời kỳ Đảng và Nhà nước có Nghị quyết và Pháp lệnh tri ân các anh hùng liệt sỹ và thực hiện chế độ đãi ngộ với những người có công với nước. Gần 1,5 triệu người của tỉnh Nghệ Tĩnh đã từng tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, tham gia dân quân du kích và tham gia chiến đấu của quê nhà được xem xét, tặng thưởng huân, huy chương. Hàng nghìn bà mẹ được phong tặng và truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều địa phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều đã xây dựng được Nghĩa trang Liệt sỹ hoặc Đài tưởng niệm. Những địa danh lịch sử như Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Cầu Cấm, hang Hỏa Tiễn được lập hồ sơ đề nghị công nhận và tôn tạo, xây dựng thành di tích lịch sử. Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt Lào quy tập gần 11 nghìn hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp nước bạn Lào đã hy sinh, Nghĩa trang liệt sỹ người Nghệ An tại Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9 tỉnh Quảng Trị. Các cơ sở nuôi dưỡng chăm sóc thương bệnh binh nặng, bị bệnh tâm thần, thân nhân liệt sỹ già cả, neo đơn được xây dựng và hoạt động tri ân đối với những người đã có công với đất nước đều có sự tham gia đóng góp công sức to lớn của cán bộ công nhân viên ngành Lao động - TB và XH.
Đến cuối năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh lại được chia tách thành 2 tỉnh trên cơ sở địa giới hành chính cũ của Nghệ An và Hà Tĩnh trước đây.
Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, ngành Lao động - TB và XH của tỉnh đã kịp thời tiếp cận, triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ mới, góp phần quan trọng vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động của địa phương, thực hiện tốt các chế độ, chính sách với người có công và công tác xã hội. Trong những năm gần đây, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của ngành được sắp xếp, củng cố theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Hệ thống cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho người lao động phát triển cả về quy mô và chất lượng, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 70 nghìn người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2019 đạt 63%. Hàng năm tạo việc làm cho trên 3,5 vạn lao động, trong đó xuất khẩu lao động trên 13 nghìn người; có các giải pháp hiệu quả đưa được 8/11 huyện ra khỏi danh sách tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc. Tỷ lệ hộ nghèo từ 12,1% năm 2015 giảm còn 4% năm 2019 và dự kiến còn 3% năm 2020. Hiện nay ngành đang quản lý và thực hiện chế độ cho gần 71 nghìn thương bệnh binh và người có công với cách mạng, chi trả bình quân mỗi tháng gần 120 tỷ đồng. Tập trung xử lý, giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng; triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua Bưu điện. Phong trào đền ơn đáp nghĩa đạt nhiều kết quả. Từ năm 1992 đến nay từ nguồn xã hội hóa, toàn tỉnh đã xây dựng mới hơn 8.488 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa, nâng cấp 14.399 ngôi nhà, tặng 64.419 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 195 tỷ đồng. Đến nay, trên 92% số hộ gia đình chính sách có mức sống ngang bằng và cao hơn mức bình quân của cư dân nơi cư trú; tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh được công nhận đơn vị làm tốt chính sách người có công với cách mạng. 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan trong và ngoài Tỉnh nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời; hàng trăm thương binh, bệnh binh nặng, thương binh, bệnh binh bị tâm thần, thân nhân liệt sỹ đơn thân, đối tượng già cả neo đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, tàn tật, bị bỏ rơi được chăm sóc nuôi dưỡng tập trung, đều được cán bộ nhân viên ngành Lao động - TB và XH tận tụy sớm hôm tần tảo chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng tận tình, chu đáo. Công tác quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, nhất là cai nghiện ma túy được tăng cường cả về quy mô và chất lượng, góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo quy định của Chính phủ.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong những năm vừa qua, ngành Lao động - TB và XH tỉnh Nghệ An đã tích cực hưởng ứng, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương, Bộ Lao động - TB và XH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh phát động, đã có nhiều phong trào thi đua tiêu biểu trong toàn ngành và tại các địa phương, cơ quan, đơn vị như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; “Lao động giỏi - lao động sáng tạo”; "Nâng cao chất lượng phục vụ, nuôi dưỡng người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội”; ''Thi đua dạy tốt, học tốt", “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; “Tất cả vì quyền lợi của người lao động”; “Nâng cao chất lượng cai nghiện, giáo dục, chữa trị, cảm hoá người nghiện ma tuý"… Sở Lao động - TB và XH đã phát động phong trào thi đua lập thành tích xuất sắc trong toàn ngành hướng đến kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước và chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành để vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao.
Trải qua 75 năm, với những công sức đóng góp của mình, tập thể và nhiều cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động - TB và XH Nghệ An đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Lao động - TB và XH, của Chủ tịch UBND tỉnh và Huy chương, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Lao động - TB và XH. Nhiều năm liên tục Nghệ An luôn là lá cờ đầu của ngành Lao động - TB và XH cả nước.
Ngành Lao động - TB và XH Nghệ An bước vào giai đoạn mới, đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới; yêu cầu nguồn nhân lực, việc làm trong thời kỳ kinh tế số; chính sách an sinh xã hội đang được điều chỉnh tích cực; nhiều khó khăn đột xuất nảy sinh như đại dịch Covid-19 thì nhiệm vụ của Ngành càng lớn, càng vinh dự tự hào thì trách nhiệm càng hết sức nặng nề và còn nhiều thách thức trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh… Nối tiếp truyền thống 75 năm qua với những kết quả đáng trân trọng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Lao động-TBXH Nghệ An tiếp tục rèn luyện, phấn đấu học tập, thực hiện nêu gương, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định trách nhiệm, tâm huyết trước Tỉnh ủy, HĐND, UBND, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh nhà, dù khó khăn đến đâu cũng ra sức phấn đấu, rèn luyện, học tập, tận tâm, tận lực, năng động sáng tạo, đoàn kết, quyết tâm hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao; nhất là công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm cho người dân, tăng cường huy động, xã hội hóa các nguồn lực chăm lo thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách người có công, giảm nghèo, bảo vệ chăm sóc trẻ em; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới, hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ; phòng chống tệ nạn xã hội, cai nghiện ma túy, góp phần ổn định xã hội, tạo sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội để Nghệ An sớm trở thành tỉnh khá của cả nước, xứng đáng là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - quê hương Xô viết Anh hùng.