image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tháo gỡ vướng mắc trong số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân

 (Tạp chí LĐXH)- Một mặt lãnh đạo Bộ LĐTB&XH quyết liệt trong việc chỉ đạo, mặt khác đề xuất, kiến nghị với Chính phủ để có những giải pháp xử lý theo từng nhóm đối tượng chi trả an sinh xã hội.

Thông tin tại buổi tọa đàm "Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 26/3, bà Vũ Thị Thanh Hà, Chánh Văn phòng Trung tâm Công nghệ Thông tin, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1813- QĐ/TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Bộ LĐTB&XH đã ban hành các văn bản hướng dẫn, phối hợp với C06 để triển khai tại các địa phương, bao gồm: Rà soát, làm sạch thông tin cá nhân; tích cực tuyên truyền để các đối tượng chi trả an sinh xã hội để chủ động mở tài khoản thanh toán; hỗ trợ các cụ người cao tuổi, già yếu lập tài khoản thanh toán... 

 

Anh-tin-bai

 

Bà Vũ Thị Thanh Hà (Ảnh: VGP)

“Chúng tôi phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản đạt tối thiểu 30% trên tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý. Trường hợp đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay, thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác theo quy định” – bà Vũ Thị Thanh Hà nói.

Nói về các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai trong thời gian tới, bà Vũ Thị Thanh Hà chia sẻ, ngành LĐTB&XH có vai trò then chốt trong công tác chi trả an sinh xã hội, đặc biệt ở giai đoạn này là không dùng tiền mặt.

Để thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, ngành LĐTB&XH rất quyết liệt trong việc triển khai; tích cực phối hợp với các địa phương, với lực lượng công an cấp xã để rà soát thông tin, làm sạch dữ liệu, cập nhật thông tin tài khoản, thường xuyên báo cáo và rà soát số liệu hàng ngày.

Lực lượng tuyến dưới rất vất vả, chia sẻ với lực lượng công an tuyến xã cũng như cán bộ LĐTB&XH cấp xã, làm hàng ngày, đợt cao điểm phải làm cả đêm, để đáp ứng dữ liệu được làm sạch, kịp thời chia sẻ với dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, ngành LĐTB&XH và lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác chi trả, do đối tượng quản lý hơi đặc biệt. Đó là người có công với cách mạng qua nhiều thời kỳ kháng chiến, người cao tuổi – khó thay đổi trong quan điểm khi nhận tiền trợ cấp; các đối tượng nhận bảo trợ thường không có điều kiện mua điện thoại thông minh.

“Để đáp ứng yêu cầu chi trả không dùng tiền mặt, ngành LĐTB&XH cùng lực lượng công an đã đi vận động đến từng gia đình. Trong quá trình tuyên truyền vận động tại các địa phương, chúng tôi cũng đặt ra nhiều vấn đề, đến nay nhiều ngân hàng thương mại đã có những ưu đãi đối với các đối tượng nhận chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán, như đã có 4 hoặc 5 ngân hàng cam kết hỗ trợ toàn bộ các chi phí tối thiểu đối với mở, duy trì tài khoản thanh toán.

Tuy nhiên, tỷ lệ đối tượng không đủ điều kiện để mở tài khoản rất nhiều, đặc biệt là những người già yếu, mất khả năng kiểm soát về tinh thần, hoặc người khuyết tật không có vân tay, người chưa được cấp căn cước công dân… Đó là những khó khăn để thực hiện tỷ lệ 100% đối tượng được chi trả qua tài khoản của ngành LĐTB&XH.

Những nội dung này chúng tôi đã báo cáo với tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ họp hàng tháng. Một mặt lãnh đạo của Bộ LĐTB&XH quyết liệt trong việc chỉ đạo, một mặt vẫn có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ để có những giải pháp xử lý theo từng nhóm đối tượng. Đối tượng nào đủ điều kiện mở tài khoản thì vận động ngay lập tức mở để hưởng dịch vụ chi trả qua tài khoản” – bà Vũ Thị Thanh Hà nhấn mạnh.

 

Anh-tin-bai

 

Tỷ lệ đối tượng không đủ điều kiện để mở tài khoản rất nhiều, đặc biệt là những người già yếu, mất khả năng kiểm soát về tinh thần, hoặc người khuyết tật không có vân tay... (Ảnh minh họa)

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán – NHNN cho biết, chi trả an sinh xã hội là chủ trương lớn của Chính phủ, góp phần đem lại lợi ích cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này cũng có phần khó khăn so với các đối tượng khác, là nhóm đối tượng yếu thế hoặc có thu nhập thấp.

NHNN cam kết sẽ đồng hành với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an và Kho bạc Nhà nước để triển khai chính sách số hóa chi trả an sinh xã hội một cách hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống để người dân thấy được lợi ích, lan tỏa thông tin và tăng cường sử dụng dịch vụ.

NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại miễn, giảm phí mở tài khoản gắn với an sinh xã hội, giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn.

Trong quá trình triển khai, NHNN  sẽ phối hợp với các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh liên quan đến quy trình nghiệp vụ và hạ tầng hệ thống cũng như chất lượng dịch vụ; đồng thời quan tâm lắng nghe những phản hồi từ phía những người mở tài khoản nhận trợ cấp an sinh xã hội để có những tham mưu đề xuất, tháo gỡ khó khăn./.

                                                                                   Hồng An