Kết luận Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An
Xét báo cáo kết quả thanh tra ngày 29/12/2023 của
Trưởng đoàn thanh tra, Chánh thanh tra Sở Lao động - TB và XH kết luận thanh
tra như sau: Tải về
A.
KHÁI QUÁT CHUNG
Quỳ Hợp là huyện miền núi nằm về
phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, gồm có 21 xã, thị
trấn, với 214 khối, xóm, bản; trong đó có 14/21
xã, thị thuộc xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 chiếm 13,79%; diện tích tự nhiên là 93.974,59 ha; dân số toàn huyện 137.835 người,
có 03 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Thái và Thổ, trong đó đồng bào dân tộc
thiểu số chiếm 53%.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được các cấp,
các ngành trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện, vì vậy các quyền của trẻ em, như:
quyền học tập, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền vui chơi, quyền được bảo vệ,
quyền được bày tỏ ý kiến... được thực hiện; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương
trình tiểu học đạt 97,06%; hoàn thành chương trình trung học cơ sở đạt 99,05%.
Tổng số trẻ em từ 0 đến 16 tuổi trên địa bàn
huyện là 34.091 em, trẻ em nữ là: 15.956 em, trẻ em nam là 18.135 em, trong đó
có 611 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
B. KẾT QUẢ KIỂM TRA, XÁC MINH
I.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai chính sách, pháp luật về quyền trẻ em
và phòng, chống xâm hại trẻ em
1. Việc ban
hành các văn bản chỉ đạo, điều hành
- Trong thời kỳ thanh tra, Huyện ủy,
Uỷ ban nhân dân huyện (sau đây viết tắt là UBND), các ban ngành, đoàn thể cấp
huyện đã ban hành 157 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện về công tác bảo vệ,
chăm sóc trẻ em, trong đó có nội dung về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại
trẻ em (chi tiết có lục số 01 kèm theo).
- Hàng
năm, UBND huyện đã lồng ghép báo cáo HĐND cùng cấp về công tác trẻ em, phòng,
chống xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện vào báo cáo tình hình kinh
tế xã hội - an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, trong thời
kỳ thanh tra UBND huyện chưa tham mưu Hội đồng nhân dân (sau đây viết tắt là là HĐND) huyện ban hành Nghị quyết để thực hiện và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật
về trẻ em, trong đó có nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em tại địa phương theo quy định tại Điểm a, khoản
6, Điều 2 Nghị quyết số
121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả
việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
2. Việc
xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án
UBND
huyện đã xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện
như: Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 08/7/2021 về thực hiện Chương trình hành động
vì trẻ em giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 15/9/2021 thực hiện
Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 203/HK-UBND ngày 09/12/2021
về chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; Kế
hoạch số 151/HK-CAH ngày 24/02/2021 về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và
phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, giai
đoạn 2021-2025;...
II. Công
tác đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng
- Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện,
UBND các xã, thị trấn trên
địa bàn triển khai, thực hiện tốt
công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ
em, đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức tuyên truyên khác nhau. Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông xây dựng và đưa các
tin, bài với các nội dung: hãy lắng nghe trẻ em nói, chung tay vì trẻ em có
hoàn cảnh khó khăn, phòng chống xâm hại trẻ em, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trách
nhiệm của toàn xã hội; phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em...
Tuyên truyền, phổ biến về tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em
số 111 trên hệ thống loa phát thanh, trang thông tin điện tử huyện để các cơ
quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn biết thực hiện; kịp thời thông tin,
thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có
nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có chức năng để xử lý kịp thời.
- Phòng Tư pháp phối hợp với Huyện đoàn tổ chức 03 phiên tòa giả định về phòng chống ma túy,
phòng chống bạo lực học đường tại
trường học; trang tư pháp huyện đã đăng hơn 2.000 chuyên
đề, với gần 3 triệu lượt người truy cập trang, trong đó có 26 chuyên đề về quyền, nghĩa vụ liên quan đến trẻ
em theo quy định của Công
ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, Luật trẻ em 2016, Luật Phòng, chống bạo lực
gia đình năm 2022,
Bộ luật dân sự, Luật Hộ tịch...; phối với phòng Giáo dục và Đào tạo,
Công an huyện và các ngành liên quan tổ chức nhiều cuộc hoạt động ngoại khóa để phổ biến, giáo dục
pháp luật cho các em học sinh trên địa bàn huyện, cụ thể: năm 2021, đã tổ chức 272 buổi, với 23.734 lượt học sinh
tham gia; năm 2022, tổ chức 312 buổi, với 24.625 lượt học sinh tham gia; năm 2023, tổ chức 132 buổi, với 24.425 lượt học sinh tham gia.
- Phòng Văn hóa và
Thông tin đã xây dựng các file tuyên truyền, đăng tải trên các phương tiện
thông tin đại chúng và hệ thống đài FM các xã, thị trấn đưa tin, bài về các
hoạt động phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước đối với trẻ em
đã đăng 215 tin qua cổng thông tin điện tử UBND huyện, tại cấp xã đã phát 810
lượt về các tin bài về công tác trẻ em nói chung, phòng chống xâm hại trẻ em
nói riêng.
- Huyện đoàn đã phối
hợp với
phòng Giáo dục và Đào tạo tuyên
truyền về phòng, chống tai nạn thương tích đối với trẻ em, treo 467 băng rôn, khẩu hiệu; cấp phát 80.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác trẻ
em, về kỹ thuật bơi, phòng chống đuối nước; đã cắm 457 biển báo tại các khu vực nguy hiểm; đăng
tải trên 200 tin, bài về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước, phòng,
chống xâm hại trẻ em; tổ chức 230 buổi tuyên
truyền liên quan đến trẻ em cho gần 10.000 lượt cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi; đăng tải hơn 400 tin bài
về chính sách, pháp luật đối với trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích
trẻ em...; tổ chức 21 lớp dạy bơi miễn phí cho hơn 1.160 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; triển khai mô hình “Điều em muốn nói” về bảo vệ chăm sóc trẻ em tại 40 Trường tiểu học và Trường trung học cơ sở, đã tiếp nhận gần 200 lượt ý kiến, phản ánh của trẻ em về
các vấn đề trong cuộc sống; tuyên truyền về Luật trẻ em, với hơn 1.800 lượt học sinh tham gia.
- Hội phụ nữ huyện phối hợp
với Huyện đoàn tổ chức các buổi truyền thông về “Phòng chống tảo hôn,
hôn nhân cận huyết thống” tại các trường học, thu hút hơn 1.362 học sinh tham
gia; phối hợp với phòng Dân số - Trung tâm y tế huyện tổ chức truyền thông chăm
sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống đuối nước, phòng
chống tai nạn thương tích ở trẻ em tại các
Trường trung học cơ sở Châu Đình, Liên Hợp, Châu Cường, Châu Lý, thu
hút 3.568 lượt học
sinh tham gia.
- Công an huyện và công an các
xã, thị trấn bằng nhiều hình thức đã tổ chức tuyên truyền các kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, đối
phó với tội phạm xâm hại trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân trong công
tác phòng, chống xâm hại trẻ em; đồng thời đưa các tin, bài cảnh báo thủ đoạn mới
của tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao ý thức,
cảnh giác.
- Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường học thường xuyên duy trì và đẩy mạnh việc lồng ghép nội dung phòng chống tệ nạn xã hội gắn việc với
xây
dựng trường học an toàn thân thiện vào các hoạt động
ngoài giờ lên lớp trong trường.
- Phòng y tế, Trung tâm y tế huyện
phối hợp tổ chức truyền thông tư vấn chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên,
thanh niên, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông, phòng chống xâm hại
tình dục cho các em học sinh Trường trung học cơ sở; tuyên truyền nâng cao nhận
thức làm mẹ an toàn và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng
trẻ em trên địa bàn huyện.
2. Việc
bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em
- UBND huyện
đã ban hành Quyết định số 2619/QĐ-UBND ngày
02/12/2022 về kiện toàn ban điều hành công tác trẻ em huyện gồm có 15 thành
viên, do Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban; Trưởng phòng Lao động - TB và
XH huyện làm phó ban Thường trực và 01 chuyên viên kiêm nhiệm làm công tác bảo
vệ chăm sóc trẻ em, lãnh đạo các phòng, ngành liên quan tham gia làm thành
viên.
- Cấp xã: tại
21/21 xã, thị trấn bố trí cán bộ chính sách kiêm nhiệm làm công tác bảo vệ chăm
sóc trẻ em, có 214 cộng tác viên làm công tác trẻ em tại các thôn, bản, xóm.
3.
Công tác đào
tạo, bồi dưỡng, tập huấn
Hàng năm, UBND huyện cử cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tham
gia các lớp tập huấn do Sở Lao động - TB và XH và các cấp tổ chức.
Năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch covid-19, nhưng UBND huyện phối hợp với Sở Lao động - TB và XH tổ chức 02 lớp tập huấn về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em gồm có đại
diện Lãnh đạo UBND, công chức văn hoá - xã hội, chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ
các xã, thị trấn và xóm trưởng các xóm, thôn, bản trên địa bàn huyện với gần
300 người tham gia...
4.
Công tác phối hợp giữa các ban,
ngành, đoàn thể
Công tác bảo vệ
chăm sóc trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em luôn được sự quan tâm của cả hệ
thống chính trị; các ban ngành, đoàn thể cấp
huyện đã phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trên
địa bàn huyện tổ chức thăm hỏi, tặng quà các em có hoàn cảnh khó khăn nhân các
ngày lễ, tết, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung
Thu, tháng hành động vì trẻ em, Tết nguyên đán hàng năm…
Phòng Lao động - TB và XH huyện phối hợp với
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và các nhà tài trợ trao 47 xe đạp cho 47 trẻ em là học
sinh nghèo vượt khó, 01 suất học bổng trị giá 20.000.000 đồng; hỗ trợ thiết bị
lọc nước cho 200 hộ gia đình thuộc hộ nghèo có trẻ em đang đi học; tổ chức khám
sàng lọc cho trẻ em 06 xã (Châu Quang, Châu Cường, Nam Sơn, Bắc Sơn, Châu Lý,
Châu Thái); hỗ trợ đồ chơi và một số thiết bị học tập cho Trường mầm non Bắc
Sơn và Trường mầm non Châu Lý, trao 45 xe lăn cho trẻ em và người khuyết tật
trên địa bàn; Hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh
hưởng bởi Covid -19 trên địa bàn huyện (hỗ trợ bổ sung cho 16 trẻ em F0, 1.262
trẻ em F1) với kinh phí: 1.280.000.000 đồng.
Hội Liên hiệp
phụ nữ huyện phối hợp với các phòng, ban, ngành tổ chức tặng sách vở, 10 chiếc
xe đạp và 20 suất quà (bằng tiền mặt) cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp
khai giảng năm học mới, với tổng số tiền:
60.600.000 đồng; kết nối các tổ chức, cá nhân trao 20 suất quà trị giá
20.000.000 đồng cho các em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Bắc Sơn; nhận đỡ đầu
cho 70 em với hình thức hỗ trợ kinh phí học tập cho các em với số tiền:
223.220.000 đồng (tiền mặt: 204.790.000 đồng, và hiện vật, với giá trị:
18.430.000 đồng).
Công An huyện đã tổ chức hoạt động
“Đông ấm cho em” tại xã Châu Thành, trao 30 suất quà cho các trẻ em có hoàn cảnh
khó khăn, với tổng giá trị hơn 10.000.000 đồng, quyên góp được 50.000.000 đồng
và huy động 40 cán bộ chiến sỹ đổ 65 nắp cống bê tông; phối hợp với Đoàn trường
Tiểu học và Trường mầm non Thọ Hợp san lấp mặt bằng và đổ 200m sân bê tông làm
bãi đỗ xe cho phụ huynh đưa đón học sinh; hỗ trợ kinh phí và đóng góp 01 ngày
công xây dựng “Sân bóng đá cho thiếu nhi” tại bản Na Hiêng, xã Châu Hồng; nhận
đỡ đầu cháu Lữ Khải (mồ côi cả cha lẫn mẹ) để hỗ trợ giúp đỡ cháu đến khi học
xong lớp 12.
Ban
Thường vụ Huyện đoàn, Hội đồng đội huyện triển khai mô hình "Ngôi nhà khăn quàng đỏ", đã quyên góp được 160.000.000 đồng, hỗ trợ xây dựng được 04 ngôi nhà tại xã Châu Thành, Hạ Sơn, Yên Hợp, Minh
Hợp. Đến nay đã xây dựng và
trao tặng được 12 ngôi nhà; đảm nhận chăm sóc, hỗ
trợ thường xuyên 50 em
về vật chất và tinh thần, giúp các em vượt
lên khó khăn; hỗ trợ xây dựng hơn 08 công trình khu vui chơi cho thiếu nhi
trị giá hơn 180.000.000 đồng….
5. Trách nhiệm của
UBND cấp huyện trong việc đảm bảo quyền của trẻ em
5.1. Trách nhiệm trong việc đảm
bảo quyền được khai sinh, có quốc tịch
Trẻ em sinh ra đã được khai sinh đầy đủ, việc giải quyết các vấn đề về quốc tịch,
xác định cha, mẹ cho trẻ em được tiến hành kịp thời, chính xác, đảm bảo các quyền của trẻ em theo quy định
pháp luật hiện hành.
- Trong thời kỳ thanh tra số trẻ em được đăng ký khai sinh
và xác định quốc tịch: 5.448 em, trong đó, đăng ký khai sinh đúng hạn là: 4.563 em, đăng ký khai sinh quá hạn là 885 em. Số trẻ em đã được xác định
cha mẹ 5.186 em; số trẻ em chưa xác định được cha có 262 trẻ em (chi tiết có tại phụ lục số 02 kèm theo).
- Tuy
nhiên, số trẻ em trên địa bàn huyện khai sinh quá hạn còn nhiều 885/5.488 em. Nguyên
nhân: do sự thiếu hiểu biết của người dân, người mẹ sinh con khi chưa đủ tuổi kết
hôn nên dẫn đến việc khai sinh chậm.
5.2.
Trách nhiệm trong việc đảm bảo cho trẻ em được tiếp
cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và công bằng tại các cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh.
Trong thời kỳ thanh tra, có 40.473 lượt trẻ em dưới 06 tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế (sau đây viết tắt là BHYT), số tiền 33.410.313.850 đồng; có 58.131 lượt trẻ trên 06 tuổi đến dưới 16 tuổi được cấp thẻ
BHYT, được nhà nước
hỗ trợ 30% khi mua thẻ BHYT, số tiền
35.162.037.380 đồng; Số lượt trẻ em được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh là 29.071 lượt
khám, số tiền 5.477.821.051 đồng; số trẻ em dưới 06 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí, trẻ em trên 06 tuổi được nhà nước
hỗ trợ khi khám chữa bệnh theo quy định (chi tiết có tại phụ lục số 03 kèm theo).
5.3. Trách nhiệm trong bảo đảm việc
thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác; bảo
đảm trẻ em được hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập và tạo điều kiện học ở
trình độ cao hơn
- Huyện Quỳ hợp có 65 cơ sở giáo
dục, trong đó: 24 Trường mầm non, 22 Trường tiểu học và 16 Trường trung học cơ sở (trong đó, 01
trường nội trú, 04 trường bán trú); 03 Trường trung học phổ thông.
- Tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học đạt chuẩn phổ
cập giáo dục trung học mức độ 3 có 20/21
xã; 01/21 xã, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2.
+ Tỷ lệ huy động
trẻ em 06 tuổi vào lớp 1: 2640/2640 em, đạt 100%;
+ Tỷ lệ trẻ 11
tuổi hoàn thanh chương trình tiểu học: 2080/2143 em, đạt 97,06%.
- Tỷ lệ phổ cập
giáo dục trung học cơ sở: 21/21 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập Trung học cơ sở
mức độ 2.
+ Tỷ lệ trẻ 11-14
tuổi hoàn thành chương trình trung học: 8205/8283, đạt 99,05%;
+ Tỷ lệ học sinh
tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt tỷ lệ trên 99,4%;
+ Tỷ lệ học sinh
hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt tỷ lệ: 97,2%.
- Trong
thời kỳ thanh tra
trên địa bàn huyện không có trẻ em bị mù chữ; số trẻ em khuyết tật hiện nay đang theo học ở các cấp 214/536 trẻ em.
- Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tham mưu ban hành các
văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các trường trên địa bàn huyện thành lập Hội đồng xét duyệt hỗ trợ miễn, giảm học phí, chi phí học tập,
tiền ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo, chính sách đối với trẻ khuyết tật
thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Đối với việc xét duyệt chính sách hỗ
trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định
116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh
và các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (sau đây viết tắt là Nghị
định 116/2016/NĐ-CP) được thực hiện theo công văn số 5129/BGDĐT-CTHSSV ngày
14/10/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ
trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
-
Trong thời kỳ thanh tra số lượt trẻ em được hỗ trợ miễn, giảm học phí; hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo; hỗ trợ chi phí học tập đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa
bàn huyện đảm bảo quy định (chi tiết có phụ lục
số 04 kèm theo).
- Tuy nhiên, trong thời kỳ thanh
tra trên địa bàn huyện có
88 trẻ em bỏ học (năm 2021: 43 em; năm 2022: 45 em); nguyên
nhân chủ yếu là do hoàn cảnh
điều kiện kinh tế gia đình khó khăn,
cha mẹ ly hôn, thiếu sự quan tâm của gia đình nên các em đã bỏ học giữa chừng.
5.4. Trách nhiệm trong bảo đảm trẻ em được vui chơi, giải
trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch.
- Việc
bố trí quỹ đất phục vụ vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể
thao cho trẻ em được thực hiện lồng ghép tại các thiết chế văn hóa địa
phương, bao gồm: nhà văn hóa, khu thể thao đơn giản, sân bóng đá mi ni, sân cầu
lông…Trên địa bàn huyện có 14/21 xã, thị trấn có nhà văn hóa đạt chuẩn; 17/21
xã, thị trấn có sân vận động, trong đó số sân vận động đạt chuẩn theo quy định:
02/17 sân; 214/214 xóm, bản có nhà văn hóa, khu vui chơi thể
thao chung, có sân bóng đá mi ni được gắn liền với khuôn viên nhà văn hóa và
các địa điểm độc lập trên địa bàn xóm, bản, là nơi diễn ra các buổi sinh hoạt của
các tổ chức, đồng thời là nơi để các em sinh hoạt, vui chơi thể dục, thể thao; có 04 bể bơi (03 bể
bơi kiên cố, 01 bể bơi thông minh).
- Trong thời kỳ thanh
tra, UBND huyện chưa ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm
vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao dành riêng cho trẻ em.
6.
Công tác thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Trong thời kỳ thanh tra, tại UBND huyện và 02 xã được
thanh tra không phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về lĩnh vực trẻ em.
- Năm 2022, Phòng
Lao động - TB và XH huyện đã tổ chức lồng ghép kiểm tra việc thực hiện chính
sách Lao động - Người có công và Xã hội, trong đó có nội dung về công tác trẻ
em, công tác phòng, chống
tại nạn, thương tích, phòng chống đuối nước, xâm hại trẻ em tại các xã, thị trấn.
- Trong thời kỳ thanh tra, UBND huyện chưa
tổ chức thanh
tra, kiểm tra
chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em theo quy định tại Điểm b, Khoản
6, Điều 2 Nghị quyết số
121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội.
III.
Việc hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại,
trẻ em có hoàn ảnh đặc biệt
1.
Công tác quản lý, tiếp nhận, xử lý thông tin, xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ
trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em
có hoàn cảnh đặc biệt.
- Định kỳ UBND huyện đã có báo cáo tình hình trẻ em và việc thực
hiện pháp luật về trẻ em theo quy định, kiểm tra trên phần mền quản lý trẻ em tại
02 xã Châu Lý và Đồng
Hợp cho thấy việc quản lý và cập nhập dữ liệu
trẻ em trên hệ thống phần mềm chưa kịp thời.
- Trên địa
bàn huyện, có 611 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó: 22 trẻ em mồ côi cả
cha và mẹ; 03 trẻ em bị bỏ rơi (đã được nhận làm con nuôi); 02 trẻ em không nơi
nương tựa (không có nguồn nuôi dưỡng); 496 trẻ em khuyết tật (có 387 trẻ em bị
khuyết tật đặc biệt nặng; 109 trẻ bị khuyết tật nặng); 05 trẻ em nhiễm
HIV/AIDS; 02 trẻ em vi phạm pháp luật; 03 trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể
chất và tinh thần do bạo lực; 07 trẻ em bị xâm hại tình dục; 71 trẻ em mắc bệnh
hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Số trẻ em đang
hưởng trợ cấp hàng tháng: 525 em.
- Trong thời
kỳ thanh tra, trên địa bàn huyện có 07 trẻ em
bị xâm hại tình dục; 03 trẻ em bị bỏ rơi; 03 trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về
thể chất và tinh thần do bạo lực; 10 em bị đuối nước dẫn đến tử vong; 02 trẻ em
bị tai nạn thương
tích (chi tiết có tại phụ lục số 05 kèm
theo).
- Đối với 07 vụ trẻ em bị xâm hại
tình dục (Châu Quang: 01 em, Đồng Hợp: 02 em: Bắc Sơn: 01 em, Châu Hồng: 02 em, Tam
Hợp: 01 em), sau khi nhận được thông tin trẻ em bị xâm hại, cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã, UBND cấp xã
đã thực hiện quy trình, hỗ trợ can thiệp theo quy định tại Chương III, Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của
Chính phủ quy định chi tiết
một số điều của Luật trẻ em.
- UBND huyện đã chỉ đạo phòng Lao động - TB và XH huyện, Trung tâm y
tế huyện, UBND các xã, thị trấn có trẻ em bị xâm hại, tổ chức tiếp nhận khám, điều trị đối với trẻ em bị xâm hại
tình dục; phát huy vai trò trong công tác tư vấn nhằm giúp cho trẻ em và gia
đình ổn định về tâm lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ; đối với các
trẻ bị bỏ rơi, tổ chức tìm kiếm người thân cho
trẻ em, phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan hoàn thiện thủ tục nhận con nuôi theo quy định.
- Việc sử dụng lao
động chưa thành niên trên địa bàn tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh
doanh dịch vụ, theo báo cáo của UBND huyện
trong thời kỳ thanh tra, trên địa bàn huyện không có doanh nghiệp nào sử dụng
lao động trẻ em.
- Thực hiện bảo mật
thông tin đối với trẻ em trước,
trong và sau hỗ trợ, can thiệp, không có trẻ em bị vi phạm quyền bí mật riêng tư. Trong
thời kỳ thanh
tra, không phát sinh cuộc gọi về tổng đài 111 yêu cầu tư vấn hay hỗ trợ về các
nội dung liên quan đến xâm hại trẻ em. Tuy nhiên,
việc thực hiện quy trình,
hỗ trợ can thiệp đối các trường hợp bị xâm hại tình dục, các nội dung tại quy
trình chưa thể hiện rõ các hoat động can thiệp nhằm giúp gia đình và các em sớm phục hồi sức khỏe, tinh thần để
trẻ hòa nhập cộng đồng sớm nhất.
* Kết
quả xác minh tại Công an huyện
Trong thời kỳ thanh tra, Công an huyện phối hợp với người
làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã nơi xảy ra vụ việc để thực hiện việc bảo vệ
trẻ em khẩn cấp, bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và vì lợi
ích tốt nhất của trẻ em; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành
điều tra xử lý, chuyển cơ quan kiểm sát, toàn án truy tố 09 vụ (07 trẻ em bị
xâm hại tình dục, 01 vụ bạo lực gia đình, 01 vụ bạo lực học đường); 01 vụ bạo lực
gia đình đang tiến hành điều tra.
* Kết quả xác
minh tại Toà án nhân dân huyện
Trong thời kỳ thanh tra, Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp đã xét xử 07 vụ án
liên quan đến xâm hại tình dục theo quy định của pháp luật, xử phạt các bị cáo
về tội: “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”, tội “Dâm ô với người
dưới 16 tuổi” và tội “ Hiếp dâm với người dưới 16 tuổi”. Tổ
chức họp xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với
02 trường hợp.
2. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ
2.1. Chính sách chăm sóc sức khỏe
- Số trẻ em bị xâm
hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tư vấn, khám sức khỏe theo quy định; đối
với trẻ bị xâm hại tình dục, các tổ chức đoàn thể thăm hỏi, động viên tinh thần,
phối hợp với nhà trường để vận động, sớm đưa các em trở lại trường học, hòa nhập
bạn bè; trẻ sau khi bị xâm hại, các em được đi khám giám định sức khỏe.
- UBND huyện đã chỉ
đạo Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế các xã, thị trấn quản lý, theo dõi và điều
trị cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS theo quy định: 05 trẻ em nhiễm HIV/AIDS được cấp
thẻ BHYT và điều trị ARV.
- Chính sách chăm sóc sức khoẻ đối với trẻ em khuyết tật, trẻ em bị mắc bệnh
hiểm nghèo: 100% trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng và trẻ em bị
mắc bệnh hiểm nghèo được cấp thẻ BHYT, được khám và điều trị bệnh theo quy định.
2.2. Chính
sách trợ giúp xã hội và chăm sóc thay thế
- Việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ
em bị
xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc
biệt:
+
Số trẻ em được chăm sóc thay thế: 24 (trẻ không có nguồn nuôi
dưỡng).
+
Số trẻ em được hỗ trợ khẩn cấp: không.
+
Số trẻ em được trợ cấp thường xuyên (tại thời điểm thanh tra): 525 trẻ, với
kinh phí là 3.825.000.000 đồng.
+
Số gia đình nhận chăm sóc trẻ em bỏ rơi: 03 gia đình (03 trẻ: Tô Vũ Gia Huy,
Phan Bảo Ngọc, Sầm Thiên Phúc).
+ Có 387 hộ gia đình đang chăm sóc, nuôi dưỡng 387 trẻ em
bị khuyết tật đặc biệt nặng được nhận chế độ hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng.
-
Trẻ em bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng; trẻ em bị mắc bệnh hiểm
nghèo và trẻ em bị mắc bệnh phải điều trị lâu dài thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo
được hưởng chế độ theo quy định (chi tiết có phụ lục số 06 kèm theo).
- Kiểm tra hồ sơ và danh sách chi trả trợ cấp xã
hội đến thời điểm tháng 9/2023 có 18 đối
tượng, chưa thực hiện việc điều chỉnh chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng từ người khuyết tật là trẻ em sang đối tượng là người khuyết tật theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Nghị định
20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội
đối với đối tượng bảo trợ xã hội, số tiền là 18.000.000
đồng (chi tiết có lục số 07 kèm theo).
2.3.
Chính sách hỗ trợ pháp lý
Trong thời kỳ thanh tra, trên địa bàn huyện có 07
em bị xâm hại tình dục, các em đã được hỗ trợ về pháp lý (07 vụ việc đã được
các cơ quan chức năng phối hợp, giải quyết theo quy định của pháp luật).
2.4. Chính
sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo
- Việc thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào
tạo và giáo dục nghề nghiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm
hại,100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại đang theo học văn hóa được miễn
- giảm học phí, được hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn theo quy định; nhà trường luôn quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh đặc
biệt.
- Việc thực hiện chính sách hỗ
trợ về giáo dục, đào tạo đối với trẻ em khuyết tật:
+ Trẻ em bị khuyết tật được tuyển thẳng vào các lớp
đầu cấp theo quy định; hồ sơ học sinh khuyết tật được lập và lưu trữ theo quy định
tại Thông tư 27/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016; khi các em chuyển trường hoặc
chuyển cấp, các trường bàn giao hồ sơ giáo dục cá nhân cho đơn vị mới để tiếp tục
theo dõi giúp đỡ các em.
+ Học sinh khuyết tật đi học: thực hiện theo quy định
chung của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và Thông tư liên tịch số
42/2013/TTLT-BGDĐT- BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ
Lao động - TBXH - Bộ Tài chính - Bộ Y tế.
+ Việc đánh giá học sinh khuyết tật trên nguyên tắc: đối với học sinh khuyết tật không đủ khả năng đáp ứng
các yêu cầu của chương trình giáo dục và không xếp loại đối với những học sinh
này, mà đánh giá sự tiến bộ của học sinh.
+ Trong thời kỳ thanh tra, đã thực hiện chính
sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo đối với 903 trẻ em khuyết tật, số tiền 8.108.176.000 đồng. Trẻ em khuyết tật
thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng
chính sách giáo dục đối với người khuyết
tật theo Thông tư liên tịch 42/2013/TT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/2013 của
Liên Bộ Giáo dục đào tạo - Bộ Lao động - TB
và XH- Bộ Tài chính quy
định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật, đã hỗ trợ 1.214 lượt trẻ khuyết tật, với số tiền 6.841.404.000 đồng.
- Trong thời kỳ thanh tra, kiểm tra hồ sơ chi trả chế độ chính sách hỗ trợ
giáo dục, đào tạo tại xã Châu Lý và xã Đồng hợp có 04 học sinh là trẻ em khuyết
tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang theo học tại các trường trên địa bàn xã đủ
điều kiện nhưng chưa được hưởng chính sách đối với trẻ em là người khuyết tật
theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch
42/2013/TT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC, tổng số tiền là 44.459.556 đồng (chi
tiết tại phụ lục số 08 kèm theo).
3. Việc tổ chức hệ thống cơ sở
cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em
Trên địa bàn huyện không có cơ sở cung
cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
4. Kinh phí hoạt động
Trong thời kỳ thanh tra, UBND huyện đã bố trí ngân
sách huyện, với số tiền: 181.935.000 đồng
cho công tác trẻ em cụ thể:
-
Năm 2021: 59.100.000 đồng, cụ thể: Tặng quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn nhân tháng hành động vì trẻ em: 15.000.000 đồng; tặng quà nhân dịp Tết
Trung thu: 15.100.000 đồng; thăm hỏi, động viên 06 gia đình có trẻ em bị tử
vong do đuối nước, tai nạn thương tích: 29.000.000 đồng.
-
Năm 2022: 60.075.000 đồng, cụ thể: tổ chức, tặng quà nhân tháng hành động vì trẻ
em: 25.075.000 đồng (tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn: 5.980.000 đồng,
tổ chức điểm tại xã Châu Lý: 9.780.000 đồng, cấp về Trung tâm văn hóa thể thao
và truyền thông: 9.315.000 đồng); tặng quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn: 5.000.000 đồng; tổ chức điểm tại xã Nghĩa Xuân: 30.000.000 đồng.
- 09 tháng đầu năm
2023: 62.760.000 đồng, cụ thể: tổ chức tháng hành động vì trẻ em, với số tiền:
25.260.000 đồng (tổ chức điểm tại xã Châu Quang: 6.780.000 đồng, tặng quà cho
các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: 18.480.000 đồng); tổ chức tết Trung thu:
42.500.000 đồng (tổ chức điểm tại xã Yên Hợp: 37.500.000 đồng, tặng quà cho các
em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: 5.000.000 đồng).
- Hàng năm, UBND
huyện và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đã kết nối với các
nhà tài trợ để hỗ trợ, tăng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn
vào các dịp lễ, tết và đầu năm học mới (chi tiết có phụ lục số 09 kèm theo).
V. Kết quả kiểm tra tại xã Châu
Lý và xã
Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai
chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em
- Tại 02 xã được
kiểm tra đã thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật theo quy định; hàng
năm UBND xã hàng năm đã ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo, triển khai, thực
hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn.
- Tuy nhiên, tại 02/02 xã chưa
ban hành văn bản để triển khai kế hoạch hành động quốc gia
phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025.
2. Công tác đảm bảo thực
hiện quyền trẻ em và phòng ngừa xâm hại trẻ em.
- Chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể
phối hợp với các trường học tổ chức lồng ghép tại các buổi sinh hoạt tập thể, sinh hoạt
ngoại khóa, các buổi hoạt
động giáo dục ngoài giờ lên lớp với các nội dung: giáo dục kĩ năng sống, tuyên
truyền giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống ma túy, phòng chống
đuối nước, tai nạn thương tích, xâm hại tình dục, an toàn giao thông; phát tờ rơi
tuyên truyền về công tác trẻ em, kỹ thuật học bơi, phòng chống đuối nước tại các trường học, cắm biển cảnh
báo tại các khu vực nguy hiểm phòng chống đuối nước.
- UBND xã Châu
Lý và UBND xã Đồng Hợp đã ban hành Quyết định về việc thành lập ban điều hành
công tác trẻ em cấp xã; bố trí cán bộ chính sách kiêm nhiệm làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; 26 xóm, bản đã có 26 cộng
tác viên làm công tác trẻ em và được hưởng phụ cấp theo quy định tại Nghị quyết 43/2012/NQ-HĐND ngày
20/4/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
3. Công tác đào tạo, tập huấn
Hàng năm, UBND xã đều bố trí Lãnh đạo UBND, công chức văn hoá -
xã hội, chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã, trưởng các thôn, xóm tham gia các lớp
tập huấn do các cấp tổ chức.
4. Công
tác phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể trên địa bàn xã
Các tổ chức, đoàn thể cấp xã đã phối
bợp, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, về công tác trẻ em, phòng chống xâm hại
trẻ em trên địa bàn; phối hợp, vận động các tổ chức, cá nhân tổ chức thăm hỏi,
tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân các ngày lễ tết, khai
giảng năm học mới, với tổng kinh phí: 286.081.000 đồng (xã Châu Lý:
181.581.600.000đồng; xã Đồng Hợp: 104.500.000 đồng).
5. Trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc đảm bảo quyền của
trẻ em
5.1. Đảm bảo quyền được
khai sinh, có quốc tịch
Trẻ em sinh ra
cơ bản đã được khai sinh đầy đủ và cấp thẻ BHYT; việc giải quyết các vấn đề về
quốc tịch, xác định cha, mẹ cho trẻ em được tiến hành nhanh chóng, chính xác, đảm
bảo các quyền của trẻ em theo quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn
một số trẻ khai sinh chậm so với quy định: xã Châu
Lý: 30/270 em; xã Đồng Hợp: 72/455 em; có 07 trẻ em được sinh ra có mẹ chưa đủ
tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (xã Châu Lý: 06 trường hợp, Đồng Hợp:
01 trường hợp).
5.2. Đảm bảo
cho trẻ em được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức
khỏe có chất lượng và công bằng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Kết quả kiểm tra tại 02 xã: Số trẻ em
dưới 06 tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được khám chữa bệnh miễn phí tại Trạm Y tế xã, trẻ em dưới 16 tuổi được hưởng
chế độ khám chữa bệnh tại trạm y tế, bệnh viện huyện theo quy định.
-
Hàng năm, Trạm y tế xã phối hợp với các trường học: Mầm non, Tiểu học, Trung học
cơ sở để khám sức khỏe định kỳ cho các em dưới 16 tuổi trên địa bàn xã, hồ sơ
khám được lưu trữ đầy đủ. Tuy nhiên, việc tư
vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục đối với các
em chưa thường xuyên; chưa tư vấn và hỗ trợ cho trẻ em theo từng độ tuổi trong
việc chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, các vấn đề liên quan đến bệnh tật học đường
theo quy định tại Thông tư
23/2017/TT-BYT ngày 15/5/2017 của Bộ Y tế.
5.3. Thực hiện quyền và bổn
phận của trẻ em trong nhà trường
- Việc thực hiện các chế độ hỗ trợ về
giáo dục đối với các em đang theo học tại các trường trên địa bàn 02 xã cơ bản
đúng đối tượng theo quy định.
- Trẻ em đang theo học tại các trường trên địa bàn xã được hưởng
các chế độ miễn,
giảm học phí; hỗ trợ tiền ăn trưa, các chi phí học tập học tại các trường trên địa bàn xã
cơ bản đúng đối tượng theo quy định, hồ sơ được lưu trữ đầy đủ, khoa học.
* Tại thời điểm kiểm tra cho thấy:
- Thời gian chi trả chế độ hỗ trợ chi phí học tập cho các em tại các trường học trên địa bàn xã chưa đảm bảo thời gian theo quy định
tại điểm c, khoản 2 Điều 21, Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021
của Chính phủ.
- Trường Tiểu học Châu Lý 1, trường
Tiểu học Châu Lý 2, trường Tiểu học Đồng Hợp, trường Trung học cơ sở Đồng Hợp
chưa thành lập Hội đồng xét duyệt
chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn đối
với trẻ em thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 4 Nghị định 116/2016/NĐ-CP
của Chính phủ.
5.4. Trách nhiệm
trong bảo đảm trẻ em được vui chơi, hoạt động
văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao.
- Tại các xóm, bản
trên địa bàn xã đã có nhà văn hóa, sân bóng chuyền, bóng đá, nơi để tổ chức
sinh hoạt của các tổ chức, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt, vui chơi của các
em; UBND xã Đồng hợp đã huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng phòng học Mỹ thuật
tại Trường Mầm non xã, với kinh phí 1.283.000.000 đồng.
- UBND xã chưa ưu tiên bố
trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ
thuật, thể thao dành riêng cho trẻ em theo quy định
6. Việc hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị
xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
- Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại 02 xã là 70
em (xã Châu Lý: 36 em, xã Đồng Hợp: 34 em), trong đó có 02 em bị xâm hại tình dục;
02 trẻ em bị đuối nước dẫn đến tử vong, 20 trẻ em có cha mẹ ly hôn; các
em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các chế độ theo quy định.
- Kiểm tra hồ sơ 02 vụ xâm hại tình dục trẻ
em tại xã Đồng Hợp: đã thực hiện quy trình, hỗ trợ can thiệp đối với trẻ bị xâm
hại tình dục cơ bản đúng theo quy định; tuy nhiên các nội dung tại quy trình
chưa thể hiện rõ các hoat động can thiệp nhằm giúp gia đình và đặc biệt là bản
thân các cháu sớm phục hồi sức khỏe, tinh thần để trẻ hòa nhập cộng đồng.
- Tại thời điểm kiểm tra UBND 02 xã chưa kịp
thời cập nhật số
trẻ em được sinh ra trên địa bàn trên hệ thống phần mềm quản
lý.
C. KẾT LUẬN
I. Những quy định của pháp luật
về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em đã được thực hiện
1. Hàng năm UBND
huyện đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, các nội dung, chương trình, kế hoạch về công tác trẻ em; phòng,
chống xâm hại trẻ em trên địa bàn, tổ chức tập huấn
cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện, cấp xã và cộng tác
viên tại các xóm, thôn, bản...
2. Chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác
tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về thực hiện chính sách, pháp luật về
quyền trẻ em và phòng, chống xâm, hại trẻ em. Trong thời kỳ thanh tra, đã đăng hơn 2.000 chuyên đề, với gần 3 triệu lượt người truy cập trang, trong đó có 26 chuyên đề về quyền, nghĩa vụ liên quan đến trẻ
em theo quy định của Công
ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, Luật trẻ em 2016, Luật Phòng, chống bạo lực
gia đình năm 2022,
Bộ luật dân sự, Luật Hộ tịch…
3. UBND huyện đã kiện
toàn Ban điều hành công tác trẻ em huyện, bố trí một công chức kiêm
nhiệm làm tác trẻ em cấp huyện; 21 công chức cấp xã kiêm nhiệm làm công tác trẻ em
tại 21 xã, thị trấn và 214 cộng tác viên tại các xóm, bản, thôn; thành lập Hội
đồng xét duyệt đánh giá, công nhận xã phường phù hợp với trẻ em, Hội đồng xác định
mức độ khuyết tật.
4. Chỉ đạo các
phòng, ngành liên quan phối hợp thực hiện hỗ
trợ, can thiệp kịp thời đối với 07 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, 02 vụ bạo lực gia đình, 01 vụ bạo lực học đường theo quy định tại Chương III, Nghị định
56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều
của Luật trẻ em.
5. Trẻ em sinh ra được khai sinh đầy đủ; trẻ em dưới 06 tuổi, trẻ em thuộc gia đình hộ nghèo,
hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh miễn phí; trẻ
em trên
06 tuổi đã được nhà nước hỗ trợ khi mua thẻ BHYT và hỗ trợ khám chữa bệnh theo
quy định; trẻ em thuộc diện hưởng trợ cấp bảo
trợ xã hội hàng tháng được hưởng theo quy định.
6. Thực hiện việc miễn, giảm học
phí cho trẻ em, hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn trưa, học bổng cho trẻ em có
hoàn cảnh đặc biệt theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP và Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Hỗ trợ kinh phí
chăm sóc nuôi dưỡng cho hộ gia đình đang chăm sóc trẻ em bị khuyết tật đặc biệt
nặng, bị bỏ rơi… và thực hiện rà soát, xét duyệt kịp thời chế độ bảo trợ xã hội
hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với trẻ em khi đủ điều kiện theo quy định tại
Nghi định 20/2021/NĐ-CP.
7. Trong thời kỳ thanh tra,
UBND huyện đã bố trí nguồn sách 181.931.000 đồng cho công tác trẻ em; kết nối các tổ chức, doanh nghiệp và
các nhà hảo tâm trên địa bàn huyện để hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, với số
tiền gần 800 triệu đồng, nhận đỡ đầu đối với 70 trẻ em. Tổ chức thăm hỏi, động viên trẻ em bị xâm hại và gia đình
có trẻ bị đuối nước, tai nạn thương tích, trẻ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên
trong học tập và trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
II. Những quy định của pháp luật về quyền trẻ em và phòng, chống
xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện chưa triển
khai thực hiện hoặc đã triển khai thực hiện nhưng chưa đầy đủ
1. UBND huyện chưa tham mưu HĐND huyện ban hành Nghị quyết để thực hiện và tăng cường giám sát việc
thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; chưa báo cáo HĐND cùng cấp việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em của địa phương, trong đó có nội dung thực
hiện phòng, chống xâm hại trẻ em theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 6, Điều 2 Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội; chưa ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư xây
dựng điểm vui chơi, giải trí,
hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao dành riêng cho trẻ em theo quy định tại khoản
2 Điều 45 Luật Trẻ em, được sửa đổi tại khoản 3 Điều 11 Luật số 28/2018/QH14 sửa
đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.
2. Công
tác chỉ đạo, tư vấn, hướng dẫn
cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục chưa thường xuyên; chưa kịp
thời tư vấn và hỗ trợ cho trẻ em theo từng độ tuổi trong việc chăm sóc sức khỏe
và dinh dưỡng, các vấn đề liên quan đến bệnh tật học đường theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 23/2017/TT-BYT ngày 15/5/2017 của
Bộ Y tế hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo
độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng.
4. Trong thời kỳ thanh
tra, trên địa bàn huyện vẫn còn tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ bị bạo lực học
đường, trẻ bị tai nạn, thương tích, đuối nước, trẻ em
khai sinh quá hạn (có phụ lục số 05 kèm theo).
5. Chưa thực hiện điều chỉnh kịp thời đối với 18 trường hợp (số tiền chênh lệch đã hưởng: 18.000.000
đồng) từ người khuyết tật là trẻ em sang đối tượng là người
khuyết tật là không
đúng theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của
Chính phủ (chi tiết tại phụ lục 07 kèm theo);
Có 04 trẻ
em khuyết tật thuộc hộ
nghèo, hộ cận nghèo chưa được hưởng chính sách giáo dục đối với người khuyết tật theo Thông tư liên tịch 42/2013/TT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC, số tiền là 44.459.556 đồng (chi tại
phụ lục 08 kèm theo).
6. Một số Trường
Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn chưa thành
lập Hội đồng xét duyệt chính sách hỗ trợ học
sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn đối với trẻ em thuộc đối tượng
theo quy định tại Điều 4 Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
III. Trách nhiệm của tập thể, cá nhân về các vi phạm, khuyết điểm
1. Trách nhiệm về quản lý nhà nước thuộc về Chủ tịch,
Phó chủ tịch UBND huyện trực tiếp phụ trách.
2. Trách nhiệm chuyên môn thuộc về các phòng: Giáo
dục - Đào tạo, Tài chính - Kế hoạch, Lao
động - TB và XH và các tập thể, cá nhân có liên quan.
D. KIẾN NGHỊ VÀ BIỆN PHÁP XỬ LÝ
I. Đối với UBND huyện Quỳ Hợp
1. Tiếp tục chỉ đạo các cấp,
các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền trẻ em,
phòng chống xâm hại trẻ em đến các tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt các chế độ,
chính sách về trẻ em nhằm đảm bảo quyền, bổn phận của trẻ em theo quy định của
pháp luật. Đề nghị HĐND huyện ban hành Nghị quyết để thực hiện và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em theo
quy định tại điểm a, khoản 6, Điều
2 Nghị quyết 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc
hội; hàng năm
báo cáo HĐND huyện việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết
các vấn đề về trẻ
em quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 2 Nghị quyết 121/2020/QH14 của Quốc hội.
2. Tăng cường công tác vận động nguồn lực để hỗ
trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh các giải pháp về phòng,
chống xâm hại trẻ em, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị đuối nước; trẻ em
bị tai nạn thương tích, bạo lực học đường; trẻ em khai sinh quá hạn. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác
phòng, chống xâm hại trẻ em theo quy định tại điểm b, khoản 6,
Điều 2 Nghị quyết 121/2020/QH14 của Quốc hội; ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư xây
dựng điểm vui chơi, giải
trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao dành riêng cho trẻ em.
3. Chỉ đạo các phòng, ngành liên quan phối hợp với UBND các xã, thị trên địa
bàn rà soát tất cả các trẻ em đủ điều kiện để hỗ trợ chính sách về giáo dục
theo quy định; hàng năm thực hiện việc lập dự toán về chính sách hỗ trợ giáo
dục, bổ sung dự toán (nếu có) để đảm bảo tính kịp thời trong việc chi trả chế
độ cho các em thuộc đối tượng được hưởng.
4. Chỉ đạo các tập thể, cá nhân có liên quan:
- Thu hồi số tiền 18.000.000 đồng của các đối tượng hưởng sai (nêu tại điểm 5, Mục II, phần C) nộp vào tài khoản số 3949.0.1067441 - Tài
khoản tạm giữ của Sở Lao động - TB và XH mở tại Kho bạc nhà nước tỉnh Nghệ An;
- Có phương án thực hiện
việc chi trả số tiền là
44.459.556 đồng cho 04 trẻ em khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo chưa được hưởng chính sách giáo dục đối với người khuyết tật (nêu tại điểm 5, Mục II, phần C) .
5. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên
môn cấp huyện, UBND các xã, thị trấn và các tập thể, cá nhân có liên quan kịp
thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra. Tổ chức kiểm điểm
trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xẩy ra các thiếu sót, khuyết
điểm nêu tại mục II, mục III phần C kết luận này.
II. Đối với phòng Lao động - TB và XH
huyện
1. Tham
mưu UBND huyện hàng năm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức tập huấn,
bồi dưỡng kiến thức, nhất là các văn bản mới về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em
cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã, các cộng tác viên thôn, xóm, khối
trên địa bàn để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác trẻ em và quyền trẻ em
trên địa bàn huyện.
2. Nghiên cứu, tham mưu UBND huyện, đề nghị HĐND huyện ban hành Nghị quyết về thực hiện và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; Báo cáo HĐND huyện chuyên đề về thực hiện quyền
trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em theo Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020
của Quốc hội.
3. Tham mưu UBND huyện tăng cường thanh
tra, kiểm tra về công tác trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em theo quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 2 Nghị quyết
121/2020/QH14 của Quốc hội.
4. Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn tổ
chức, cá nhân có liên quan tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định điều chỉnh trợ
cấp xã hội hàng tháng theo quy định, đồng thời thu hồi số tiền hưởng sai (kiến nghị
tại điểm 4, Mục I, phần D) kết luận này.
III. Đối với phòng Giáo dục và Đào tạo huyện
1. Tăng cường
tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ
cho học sinh; chú trọng nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh trường nội
trú, bán trú, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; công tác tư vấn học đường và
công tác xã hội trường học; trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên
trong phòng, chống xâm hại trẻ em.
2. Phối hợp với phòng Lao động - TB
và XH, UBND các xã, thị trấn
Chỉ
đạo các trường học trên địa bàn rà soát lại số trẻ em đủ điều kiện để được hỗ
trợ chính sách miễn, giảm
học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hưởng chính sách học bổng đối với người khuyết tật theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày
27/8/2021 của Chính phủ và Thông tư 42/2013 Thông tư liên tịch
42/2013/TT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/2013 của Liên Bộ Giáo dục đào tạo - Bộ Lao động - TB và XH- Bộ Tài chính; chính
sách đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở... ở xã, thôn đặc biệt khó khăn
vùng dân tộc miền núi theo quy định tại Điều 4 Văn bản hợp nhất số
05/VBHN-BGDĐT ngày 14/7/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hợp nhất Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016
và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính
phủ.
3. Chỉ đạo các Trường Tiểu học, Trung học
cơ sở trên địa bàn chưa thành lập Hội đồng xét duyệt chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc
biệt khó khăn, thành lập Hội đồng để xét duyệt
các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Điều 4 Nghị định
116/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
4. Phối hợp với
các phòng, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan tham mưu UBND huyện thực hiện việc
hỗ trợ chi phí mua phương tiện, đồ dùng học tập trong kỳ chi trả tiếp theo đối
với 04 trẻ em đủ điều kiện được hưởng theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 8
Thông tư liên tịch 42/2013/TT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC (kiến nghị tại điểm 4 mục I phần D) kết luận
này.
IV. Đối với
phòng Tài chính - Kế hoạch huyện
1. Hàng năm tham mưu việc
lập dự toán và bổ sung dự toán (nếu có) để đảm bảo kinh phí chi trả kịp thời cho
các đối tượng được hưởng về chính sách hỗ trợ đối với trẻ em khuyết tật; chính sách hỗ trợ đối với
học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, các xã đặc biệt
khó khăn...trên
địa bàn huyện.
2. Tăng cường công tác kiểm tra, việc chi trả các chế độ hỗ trợ cho các đối
tượng kịp thời, hồ sơ thanh toán, quyết toán, đảm bảo nguyên tắc tài chính.
3. Tham mưu UBND huyện kinh
phí hỗ trợ chi phí mua phương tiện, đồ dùng học tập đối với 04 trẻ em đủ điều
kiện được hưởng theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 8 Thông
tư liên tịch 42/2013/TT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC (kiến nghị tại điểm 4 mục I phần D) kết luận
này.
IV. Đối với các phòng chuyên môn Sở Lao
động - TB và XH.
1. Đối với phòng Trẻ em - Bình đẳng giới
Tham mưu Giám đốc Sở tăng cường công
tác chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát, giúp
UBND huyện Quỳ Hợp thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giao dục trẻ em,
trong đó có nội dung việc thực hiện quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em;
phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước.
2. Giao Thanh tra Sở tham mưu Giám đốc Sở đôn đốc
việc thực hiện các kiến nghị tại Kết luận thanh tra việc
chấp hành các quy định của pháp luật về
quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại huyện Quỳ Hợp theo quy định.
V. Công khai Kết luận thanh tra và báo
cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra
- Thanh tra Sở tổ chức công khai Kết luận thanh tra theo
quy định tại Điều 79 Luật thanh tra và Điều 48, Điều 49 Nghị định 43/2023/NĐ-CP
ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật thanh tra.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Kết luận
thanh tra này, UBND huyện tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các nội dung theo
Kết luận thanh tra, kèm các tài liệu liên quan, các biên bản họp, quyết định
xử lý (nếu có) gửi về Sở Lao động - TB và XH (qua Thanh tra Sở), để theo dõi.
Trên đây Kết luận thanh tra việc chấp
hành các quy định của pháp luật về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em
tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An./.