image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nghệ An: Tăng cường công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động

 (LĐTĐ) Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp làm chết và bị thương người lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Anh-tin-bai

 

Tỉnh Nghệ An hiện có 6 khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp với 395 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và 189 làng nghề. Các cơ sở, doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 8,6 vạn lao động.

 

Còn những hạn chế và lỗ hổng

Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và phát huy vai trò giám sát của nhân dân, công tác đảm bảo ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đảm bảo môi trường an toàn lao động và sức khỏe cho người lao động vẫn còn nhiều tồn tại và lỗ hổng. Việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của các cơ sở, doanh nghiệp chưa cao, cùng với ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ, bảo vệ sức khoẻ cho chính mình của người lao động còn hạn chế.

Cùng với đó, trách nhiệm quản lý nhà nước các sở, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, vừa ít số lượng doanh nghiệp được kiểm tra; chất lượng kiểm tra, giám sát chưa cao, phát hiện chậm những doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về ATVSLĐ và việc xử lý chậm, điển hình như vi phạm tại Công ty TNHH Châu Tiến, dẫn đến 6 công nhân tử vong do mắc bụi phổi silic.

Từ những hạn chế trên dẫn đến tai nạn lao động vẫn còn xảy ra khá nhiều, làm nhiều người lao động bị thương vong, nhiều người lao động bị bệnh nghề nghiệp gây ảnh hưởng suy giảm sức khỏe, tính mạng.

Bên cạnh đó, việc giải quyết chế độ chính sách cho lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp ở một số đơn vị còn chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

 

Anh-tin-bai

 

Công ty TNHH Châu Tiến, đóng tại Khu Công nghiệp Nam Cấm vi phạm nghiêm trọng ATVSLĐ dẫn đến nhiều công nhân bị nhiễm bụi phổi silic và 6 người đã tử vong.

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 44 vụ tai nạn lao động, làm 20 người tử vong, 17 người bị thương nặng, 22 người bị thương nhẹ. Trong năm 2023, qua khám bệnh nghề nghiệp và điều tra bệnh nghề nghiệp, toàn tỉnh phát hiện 82 người lao động bị bệnh nghề nghiệp.

Trong tháng 5/2024, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên giải trình chấp hành pháp luật về ATVSLĐ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trong tỉnh từ năm 2021 đến nay. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Nghệ An đã báo cáo kết quả công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh và trực tiếp giải trình một số vấn đề Thường trực HĐND tỉnh đặt ra.

Tại buổi giải trình, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận thực trạng chấp hành pháp luật về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân do cả chủ doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Nhận thức rõ trách nhiệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định sẽ chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các sở, ngành, tổ chức trên cơ sở kiểm tra, giám sát, đánh giá sát thực trạng theo từng nhóm, loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để làm rõ yếu và thiếu những gì, từ đó đưa ra các giải pháp, đôn đốc chỉ đạo quyết liệt; gắn với đó là nghiêm túc hơn trong xử lý các cơ sở vi phạm.

Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp

Thực hiện Công điện số 51/CĐ-TTg ngày 21/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác ATVSLĐ; Công văn số 2354/BLĐTBXH-CATLĐ ngày 04/6/2024 của Bộ LĐTBXH về việc tăng cường quản lý, tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; Công văn số 1275/BYT-MT ngày 19/3/2024 của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; để kịp thời chấn chỉnh, tăng cường công tác ATVSLĐ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động, sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, xã hội, Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 5730/UBND-VX ngày 9/7/2024 về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 31-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới; Luật ATVSLĐ, các Quyết định, Nghị quyết, Công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về công tác ATVSLĐ; Công văn của Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế, Kế hoạch của Tỉnh uỷ, Nghị quyết của HĐND tỉnh về công tác ATVSLĐ.

 

Anh-tin-bai

 

Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An Đoàn Hồng Vũ đánh giá về những chuyển biến tích cực và những tồn tại, hạn chế của công tác ATVSLĐ.

 

Tăng cường nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, đặc biệt là trong các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm ATVSLĐ.

Tăng cường phối hợp quản lý về ATVSLĐ. Phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành việc thực hiện công tác ATVSLĐ đối với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kịp thời khen thưởng, biểu dương các điển hình tiên tiến, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATVSLĐ thuộc thẩm quyền.

Đối với Sở LĐTBXH, yêu cầu chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai hiệu quả các hoạt động, giải pháp trong Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ đến năm 2025. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức điều tra các vụ tai nạn lao động theo thẩm quyền. Tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ về ATVSLĐ cho cán bộ, công chức cấp huyện, xã; hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng mô hình ATVSLĐ, tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, kiểm định, khai báo sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATVSLĐ; kịp thời phát hiện và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATVSLĐ.

UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo, chủ trì, phối hợp, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra công tác ATVSLĐ. Cụ thể như các Sở: Y tế, Xây dựng, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Giao thông và Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; các cơ quan, đơn vị liên quan như: Ban quản lý KKT Đông Nam, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; UBND các huyện, thành, thị.

                                                                                                                Mai Liễu