Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khảo sát việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW tại Nghệ An
Ngày 02/8/2024, Đoàn công tác của Ban cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do đồng chí Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn khảo sát 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” (viết tắt là Chỉ thị số 37) tại tỉnh Nghệ An. Đoàn đã khảo sát thực tế tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Trường Cao đẳng Việt Đức và làm việc với Tỉnh ủy Nghệ An.
Dự
Buổi làm việc có đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện các sở, ban, ngành liên quan và một số
cơ sở giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Vinh.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37, đã đạt được một số kết
quả nổi bật: hệ thống các văn bản về giáo dục nghề nghiệp từ Trung ương đến địa
phương từng bước được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh
đã và đang được rà soát, sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung
ương. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác đào tạo nhân lực
có tay nghề cao phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đã có nhiều
chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động; tư duy về đào tạo và sử dụng
lao động cũng dần thay đổi; việc chọn nghề, định hướng tương lai cho con em đã
có những chuyển biến tích cực. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 54 cơ sở giáo dục
nghề nghiệp, cơ sở có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, có 22 cơ sở đào
tạo nhân lực có tay nghề cao (10 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp). Toàn
tỉnh đã đào tạo trình độ tay nghề cao cho 135.232 người, gồm: Cao đẳng 48.675
người, trung cấp 86.557 người. Tỷ lệ lao động tay nghề cao sau đào tạo có việc việc làm, thu
nhập ổn định đạt gần 90% và chủ yếu làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công
nghiệp, khu kinh tế. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng
từ 48% cuối năm 2013 lên 69% cuối năm 2023 (tăng 21%); trong đó, có văn bằng,
chứng chỉ từ 19,3% lên 28,6% (tăng 9,3%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: nhận
thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về đào tạo nguồn nhân lực
có tay nghề cao có lúc chưa thống nhất và đầy đủ; năng lực đào tạo nhân lực có
tay nghề cao của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; đội ngũ giáo
viên thừa, thiếu cục bộ, trình độ kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ còn bất cập;
việc đào tạo kỹ năng mềm (ngoại ngữ, tin học, tác phong nghề nghiệp, kỹ năng
giao tiếp...) cho người học chưa được quan tâm đúng mức.
Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư về
công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, tỉnh Nghệ An đề ra 06 nhóm nhiệm vụ,
giải pháp trọng tâm: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng,
chính quyền các cấp và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và hệ thống
chính trị đối với công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao; tiếp tục đổi mới, đẩy
mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm,
tầm quan trọng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay
nghề cao. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả
hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở đào tạo nhân lực có tay
nghề cao; đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao
vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác
đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban
Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận những nỗ lực của Nghệ An trong việc triển
khai Chỉ thị số 37, đánh giá cao những kết quả đạt được. Đồng thời đề nghị:
Tỉnh Nghệ An tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc triển
khai thực hiện Chỉ thị số 37; nhân rộng các mô hình tốt về giáo dục nghề
nghiệp; nghiên cứu cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh phí đào
tạo khi tham gia đào tạo nghề, nhằm huy động nguồn xã hội hóa cho giáo dục nghề
nghiệp… Đoàn ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh để tổng hợp, báo cáo,
có giải pháp để cùng với địa phương tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công
tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực có tay nghề cao./.
Phòng Giáo dục nghề nghiệp