image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Kết luận của đông chí Giám đốc Sở tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” lĩnh vực Lao động, Người có công và Xã hội
Ngày 23/8/2024, đồng chí Đoàn Hồng Vũ, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Lao động- TB và XH chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” lĩnh vực Lao động, Người có công và Xã hội (sau đây viết tắt là Đề án số 06/CP của Chính phủ).

Dự làm việc có các đồng chí Phó Giám đốc Sở, Trưởng các phòng chuyên môn của Sở: Lao động- Việc làm- An toàn lao động, Kế hoạch- Tài chính, Người có công, Bảo trợ xã hội, trẻ em và Bình đẳng giới, Văn phòng Sở; đại Bảo hiểm xã hội tỉnh, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, lãnh đạo phòng Lao động- TB và XH các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và cán bộ phụ trách Đề án 06/CP của Sở và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An. Sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, đồng chí Đoàn Hồng Vũ, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Lao động- TB và XH kết luận thống nhất với Báo cáo đánh giá việc thực hiện Đề án số 06/CP của Chính phủ lĩnh vực Lao động, Người có công và Xã hội, đồng thời, nhấn mạnh một số nội dung sau:Tải về

1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ

1.1. Kết quả, ưu điểm

Từ năm 2022 đến tháng 8/2024, Sở Lao động- TB và XH, các Sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã quan tâm, phối hợp với các ngành, đơn vị chỉ đạo, đôn đốc, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06/CP của Chính phủ lĩnh vực ngành lao động, thương binh và xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể:

- Việc công bố TTHC và công tác tiếp nhận giải quyết TTHC được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

- Việc thực hiện 02 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP của chính phủ đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng cấp thất nghiệp trực tuyến so với tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chuyển biến tích cực. Các huyện, thành phố, thị xã đã quan tâm chỉ đạo giải quyết TTHC “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng phí cho Người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội” trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ giải quyết đạt 100%.

- Công tác chỉ đạo mở tài khoản và chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đạt kết quả. Tỷ lệ mở tài khoản cho đối tượng Người có công, Bảo trợ xã hội đạt 60,73% so với tổng số trên địa bàn tỉnh; chi trả qua tài khoản ngân hàng cho 20.274 đối tượng hưởng chính sách ưu đãi Người có công với cách mạng, trợ cấp Bảo trợ xã hội hàng tháng, đạt tỷ lệ 16,71% số có tài khoản. Tỷ lệ chi trả hưởng trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 99,3%. Nghệ An đã và đang tiếp tục thực hiện chi trả qua đơn vị dịch vụ Bưu điện cho các đối tượng Người có công, Bảo trợ xã hội không có nhu cầu chi trả qua tài khoản.

- Việc phối hợp rà soát, xác minh, cập nhật thông tinvào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và số hóa hồ sơ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, dữ liệu lao động được quan tâm thực hiện, đến nay cơ bản hoàn thành.

- Công tác số hóa hồ sơ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, dữ liệu lao động được quan tâm thực hiện, đạt kết quả.

- Việc triển khai 04 mô hình điểm do Sở Lao động- TB và XH được giao chủ trì và đồng chủ trì thực hiện đạt kết quả tích cực.

1.2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả trên, việc thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ lĩnh lao động, người có công và xã hội còn một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ thanh toán trực tuyến, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ “giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trực tuyến đạt thấp so với yêu cầu của tỉnh. Việc mở tài khoản và chi trả qua tài khoản cho Người có công với cách mạng, Bảo trợ xã hội hàng tháng đạt tỷ lệ thấp so với yêu cầu của tỉnh. Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng luân chuyển hồ sơ giấy giữa cấp xã với phòng lao động- TB và XH cấp huyện, chưa thực hiện triệt để trên môi trường điện tử. Một số cán bộ cấp xã chưa thực hiện “hỗ trợ chi phí mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội” trên Cổng dịch vụ công quốc gia…

Cần làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí cán bộ; sự quyết liệt trong triển khai, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao để tập trung khắc phục, nhằm phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục các tồn tại hạn chế nêu trên.

2. Nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới

Thống nhất với những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới đã nêu tại báo cáo trình bày và ý kiến thảo luận tại Hội nghị; đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa, tiện ích của việc thực hiện Đề án 06/ CP của Chính phủ. Quán triệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các địa phương, cán bộ phụ trách với phương châm “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, phát huy quyết tâm “Đã nói là làm, đã làm là phải có kết quả”, “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cụ thể sau:

1.1. Về công bố TTHC và tiếp nhận giải quyết TTHC

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; thường xuyên rà soát, công khai đầy đủ, kịp thời TTHC lĩnh vực ngành; tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2024 theo Quyết định số 206/QĐ- TTg ngày 26/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương.

Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận hồ sơ TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh và đảm bảo dữ liệu phải được liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia để người dân, doanh nghiệp thực hiện và giám sát quá trình giải quyết công việc.

 - Giao Văn phòng Sở tham mưu chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; các phòng chuyên môn cơ quan Sở chủ trì rà soát, đề xuất tham mưu. Đề nghị các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thực hiện.

- Thời gian thực hiện: thường xuyên.

2.2. Thực hiện 02 dịch vụ công thiết yếu

- Tăng cường công tác truyền thông, bố trí nhân lực tại Bộ phận tiếp nhận Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ người lao động, tạo thói quen cho cán bộ tiếp nhận, xử lý hồ sơ và người lao động tham gia dịch vụ công trực tuyến “giải quyết trợ cấp thất nghiệp” trên cổng dịch vụ công Quốc gia. Phấn đấu tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của ngành đến cuối năm 2024 đạt tỷ lệ 70% theo kế hoạch của tỉnh.

Giao Phòng Lao động- Việc làm- An toàn lao động chủ trì tham mưu chỉ đạo; Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện. Đề nghị BHXH tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp, chỉ đạo thực hiện.

Thời gian thực hiện: năm 2024 và Thường xuyên.

- Chỉ đạo, phối hợp thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng phí cho Người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội”. Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở xã; có giải pháp hỗ trợ người dân. Khắc phục tình trạng luân chuyển hồ sơ giấy giữa cấp xã với phòng lao động- TB và XH cấp huyện

Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chủ trì, chỉ đạo thực hiện. Giao Phòng Người có công, phòng Bảo trợ xã hội tham mưu đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện.

Thời gian thực hiện: Năm 2024 và thường xuyên.

2.3. Tập trung triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ

- Đối với lĩnh vực an sinh xã hội: Quyết liệt hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động, chỉ đạo rà soát các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; phối hợp với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện mở tài khoản mới cho người có nhu cầu và thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho người đã có tài khoản. Trong đó, tập trung vào nhóm đối tượng hưởng chính sách ưu đãi Người có công với cách mạng, Bảo trợ xã hội hàng tháng. Đề nghị UBND các huyện, thành phố thị xã quan tâm chỉ đạo rà soát, chi trả hỗ trợ tiền điện hàng tháng và các khoản hỗ trợ khác (nếu có) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có tài khoản đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Phấn đấu đến cuối năm 2024 mở tài khoản cho đối tượng có nhu cầu đạt từ 90 đến 100% đối tượng; chi trả qua tài khoản cho người có tài khoản đạt 100% theo kế hoạch của tỉnh.

Đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Giao Phòng Kế hoạch Tài chính chủ trì, tham mưu theo dõi, đôn đốc việc mở tài khoản và chi trả cho đối tượng Người có công với cách mạng; Phòng Bảo trợ xã hội chủ trì, tham mưu theo dõi, đôn đốc việc mở tài khoản và thực hiện chi trả cho đối tượng Bảo trợ xã hội và hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thời gian thực hiện: Năm 2024 và thường xuyên.

- Tuyên truyền, thực hiện chi trả trợ cấp qua tài khoản cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp, đảm bảo tỷ lệ 100%.

Giao Phòng Lao động- Việc làm – An toàn lao động chủ trì tham mưu; Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với BHXH tỉnh thực hiện.

Thời gian thực hiện: Năm 2024 và thường xuyên.

- Tham mưu tuyên truyền, thông báo để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ TTHC có phát sinh phí, lệ phí thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công; thực hiện quản lý phí, lệ phí đảm bảo quy định. Phấn đấu tỷ lệ thanh toán trực tuyến TTHC lĩnh vực ngành đạt chỉ tiêu của tỉnh là 55%.

Giao Phòng Lao động- Việc làm – An toàn lao động chủ trì thực hiện; phòng KHTC phối hợp.

Thời gian thực hiện: Năm 2024 và thường xuyên.

2.4. Chỉ đạo thường xuyên rà soát, làm sạch, cập nhật cơ sở dữ liệu các đối tượng thuộc ngành quản lý đảm bảo 4 tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”. Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc các địa phương, phối hợp với các Sở, ngành, kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cập nhật, đồng bộ dữ liệu liên quan lĩnh vực phụ trách.

Đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường chỉ đạo thực hiện. Giao các phòng Chuyện môn của Sở: Người có công, Bảo trợ xã hội, Trẻ em và Bình đẳng giới, Lao động- Việc làm và An toàn lao động theo chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên nắm tình hình, đôn đốc, tham mưu chỉ đạo thực hiện hoàn thành.

Thời gian thực hiện: Năm 2024 và thường xuyên.

2.5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ Đề án số 06/CP thuộc lĩnh vực ngành. Hàng tháng đánh giá tình hình, tiến độ, mức độ thực hiện các nhiệm vụ của các phòng Chuyên môn, của các đơn vị, các địa phương, đảm bảo rõ người, rõ việc; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc liên quan để đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu lĩnh vực ngành mức cao nhất.

Siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, nêu cao đạo đức công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý, nhất là trong tiếp nhận và giải quyết TTHC lĩnh vực ngành.

Giao các phòng chuyên môn cơ quan Sở theo chức năng, nhiệm vụ được giao báo cáo, đánh giá; Văn phòng Sở chủ trì tham mưu, tổng hợp, báo cáo.

Đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh, các ngành có liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã quan tâm chỉ đạo, phối hợp, quán triệt và triển khai thực hiện.

Thời gian thực hiện: Năm 2024 và thường xuyên.

2.6. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ quá trình chuyển đổi số, các nhiệm vụ Đề án 06/CP của Chính phủ. Chú trọng đào tạo bồi dưỡng, bố trí cán bộ có tinh thần trách nhiệm, có trình độ chuyên môn tham mưu triển khai thực hiện công tác Cải cách hành chính, chuyển đổi số lĩnh vực ngành.

Giao Văn phòng Sở phối hợp với phòng KHTC và các phòng chuyên môn của Sở, đơn vị trực thuộc Sở tham mưu thực hiện.

Đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác lao động, người có công và xã hội ở cơ sở.

Thời gian thực hiện: Năm 2024 và thường xuyên.

3. Về các kiến nghị, đề xuất của các địa phương

Ghi nhận và giao cho Văn phòng tổng hợp, kịp thời tham mưu chỉ đạo các phòng chuyên môn của Sở nghiên cứu, phối hợp với các Sở, ngành báo cáo Tổ công tác của tỉnh, UBND tỉnh, Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ kịp thời./.